Saturday, August 29, 2015

Bia gừng (từ con men gừng)

Ngay từ lần đầu tiên được uống món bia gừng (ginger ale) trong một hội chợ cuối tuần tại Bỉ, mình đã quyết định rằng đây là món uống yêu thích của mình, dù hồi đó mình chưa biết cách làm bia gừng tại nhà. Bia gừng thực sự không phải là bia, từ "ale" trong tiếng Anh không có từ tương đương trong tiếng Việt. Ale là loại đồ uống lên men ở nhiệt độ ấm, có hương vị đậm đà và mùi thảo mộc được sử dụng làm nguyên liệu (ví dụ như mùi gừng, mùi trái cây). Bia là đồ uống lên men nhưng có sử dụng hoa bia (hop). Món bia gừng không chỉ thơm mùi gừng, ngọt dịu, có một ít sủi bọt, mà còn chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa nữa. Dù gọi là bia, nhưng đây thực ra chỉ là nước uống lên men, chưa đến mức có độ cồn quá cao (có lẽ chỉ khoảng 1% cồn thôi) nên bạn không sợ bị say hay bị nói là "ma men" khi nghiện món này đâu.
Đến khi về Việt Nam, món bia gừng yêu thích không còn sẵn có nữa, mình mới mày mò học cách làm bia gừng. Hóa ra cách làm khá đơn giản, tất cả những gì bạn cần là gừng, đường, con men gừng, chanh và rất nhiều kiên nhẫn.

NGUYÊN LIỆU
- 2 lít nước sôi để nguội
- 250g đường (đường trắng hoặc đường nâu, các loại chất tạo ngọt khác như mật ong đều không được)
- 400ml men gừng, cách làm men gừng tại đây
- Nước cốt của 6 quả chanh
- Một dúm hạt tiêu (nếu thích). Hạt tiêu làm tăng tác dụng của các loại lợi khuẩn trong men gừng.

CÁCH THỰC HIỆN
1. Đun sôi nước, đường, trút vào bình và để nguội về nhiệt độ phòng. Khi rót vào bình nhớ cẩn thận kẻo nước nóng sẽ gây nứt vỡ bình.
2. Khi nước đường đã nguội, thêm men gừng, nước cốt chanh, hạt tiêu đen vào, khuấy đều. Lọc hỗn hợp để tách các chất cặn khỏi hỗn hợp.
3. Đổ hỗn hợp vào chai soda có nắp vặn thật chặt, hoặc chai có chốt nắp (swing top bottle). Mình khuyến khích nếu bạn trữ trong chai thủy tinh thì cũng nên chừa lại một phần trong chai nhựa để kiểm tra sự lên men của bia gừng. Để chai ở nhiệt độ phòng từ 2 đến 4 ngày tùy vào nhiệt độ phòng. Trong mùa hè thì chỉ cần 2 ngày là chúng ta đã có món đồ uống sủi bọt rồi.
4. Thường xuyên kiểm tra chai bằng cách bóp thử chai soda nhựa. Nếu chai căng cứng thì tức là lượng khí carbonic đã được sản sinh trong quá trình lên men. Để quá lâu thì chai của bạn có thể bị bung/vỡ, và những thứ bạn muốn uống sẽ tung tóe hết trên bàn bếp. Mỗi ngày bạn có thể mở nắp chai một lần cho thoát bớt khí. Đóng chai lại thì khí sẽ lại được sản sinh tiếp.
5. Khi mở nắp chai và nghe thấy tiếng xì xì vui tai, bạn có thể cất chai vào tủ lạnh để ngăn quá trình lên men.
6. Thưởng thức khi món đồ uống đã lạnh. Bạn có thể trữ món bia gừng trong tủ lạnh trong khoảng 1-2 tuần, nhưng thường là không được lâu như vậy đâu (vì món bia gừng này rất dễ uống).

Khi nào quen với món bia gừng, bạn có thể thử nghiệm với các nguyên liệu khác, ví dụ như thêm nghệ, gừng, hoa quả tươi... vào hỗn hợp. Các lựa chọn kết hợp là vô số, vì vậy đừng ngại (và đừng nản nếu có một mẻ sản phẩm không thành công lắm).

Chúc các bạn thành công!

No comments:

Post a Comment