Wednesday, July 29, 2015

Sinh tố thải độc vị bạc hà

Mỗi khi mình cảm thấy cơ thể mệt mỏi, mình lại tự chiều bản thân bằng một loại sinh tố, nước ép rau củ, trái cây nào đó. Không chỉ dễ ăn và dễ tiêu hóa (vì đã xay hết ra rồi, khỏi phải nhai), chúng còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể tống khứ các chất độc hại ra ngoài.
Món sinh tố này được làm từ các nguyên liệu đơn giản, dễ tìm. Với hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, nó giúp ta tăng cường sức đề kháng, trao đổi chất, làm sạch đường ruột và thải độc hiệu quả. Bạc hà cũng khiến món sinh tố này có hương vị the mát, rất sảng khoái.

NGUYÊN LIỆU
- 1.5 quả chuối đã cắt nhỏ và trữ đông trong tủ lạnh
- 1/2 quả chanh, gọt bỏ vỏ xanh
- 1 quả cam, vắt lấy nước
- 1 nắm bạc hà
- 150ml nước dừa hoặc nước lọc
- Ngoài ra bạn có thể cho thêm một ít rau xanh (cải xoăn, cải bắp, cải xoong)

THỰC HIỆN
Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay sinh tố, bật ở mức cao xay cho đến khi các nguyên liệu được xay mịn.
Đổ ra cốc, dùng luôn.

Thursday, July 23, 2015

Kem chuối siêu dễ

Kem là món khoái khẩu của mình, nhưng đường lại là thứ làm cho mình hết sức lo lắng cho vấn đề cân nặng. Đó là lí do khiến cho mình rất dằn vặt mỗi khi muốn được thưởng thức các món kem tuyệt ngon đang mời gọi ngoài quán (chắc nhiều người chia sẻ nỗi đau khổ này với mình). Cái khó ló cái khôn, mình đã tìm được cách làm món kem chuối hoàn toàn tự nhiên, không thêm đường và vẫn rất ngon. Món này lại còn dễ biến tấu bằng cách thêm một số nguyên liệu khác có sẵn trong nhà nữa.

Kem chuối và bơ lạc. Hình: Internet

NGUYÊN LIỆU
- 4 quả chuối chín
- Một bát nước chanh pha loãng
- Phụ liệu (có hay không đều được): Bơ lạc, sô cô la vụn, bột ca cao, bột quế, rượu rum, mứt vỏ cam... hoặc bất cứ thứ gì bạn có thể vơ được trong tủ lạnh để tăng hương vị cho món kem chuối. Mình đã từng làm món kem chuối bơ lạc, kem chuối sô cô la, kem chuối cacao, kem chuối quế mật ong..., tất cả đều từ các sản phẩm sẵn có hoặc đồ thừa của những lần ăn uống trước để lại.

CÁCH THỰC HIỆN
- Bóc vỏ chuối, cắt thành khoanh tròn, nhúng qua nước chanh pha loãng cho khỏi thâm rồi để vào ngăn đá tủ lạnh trong khoảng 2 tiếng.
- Lấy chuối ra, cho vào máy xay sinh tố, bật ở mức cao xay cho thật nhuyễn. Thêm tinh dầu vanilla và nguyên liệu phụ và xay sơ qua cho đều.
- Cho vào âu, đậy lại, cất vào ngăn đá tủ lạnh. Múc kem ra ly, trang trí và thưởng thức thôi.

Sau khi đông lạnh và được xay ra, chuối sẽ trở nên quánh như kem "xịn", vì thế bạn có thể yên tâm ăn kem chuối hoàn toàn tự nhiên mà không sợ bị tăng cân do dùng nhiều đường sữa.

Happy eating!!!

Sunday, July 19, 2015

Sữa chua Hy Lạp

Sữa chua Hy Lạp là một trong những nguyên liệu cơ bản cho các món salad và sinh tố mình hay dùng. Thực ra nó chẳng có gì to tát hay huyền bí cả, chẳng qua chỉ là sữa chua thông thường được tách bớt nước chua mà thôi. Mình dùng sữa chua Hi Lạp vì thích độ đặc của nó, mặc dù để làm được một hũ sữa chua Hy Lạp thì phải tốn gấp 2 lần số nguyên liệu để làm một hũ sữa chua thông thường. Cách làm khá đơn giản, bạn chỉ cần làm sữa chua thông thường rồi lọc nước qua một hoặc hai lớp vải xô thôi.
Với những ai muốn làm từ đầu, mình chia sẻ phương pháp làm của mình như sau:

NGUYÊN LIỆU
- 1 lít sữa tươi (có thể dùng loại sữa béo, sữa nguyên kem, sữa tách kem, hoặc bột sữa pha thành sữa)
- 1 hộp sữa chua men sống

THỰC HIỆN
- Rót sữa vào nồi sạch và đun nhỏ lửa cho đến khi nóng (khoảng 80 độ C thôi, không để sôi) thì nhấc ra, rót sang âu sành/sứ/nhựa/thủy tinh, để nguội cho đến khi còn âm ấm. Không dùng âu bằng kim loại.
- Khi sữa ấm, trút sữa chua men sống vào, đảo cho tan đều. Ủ sữa ở nhiệt độ ấm (khoảng 40-42 độ C). Thành phẩm của quá trình này là sữa chua thông thường.
- Lấy một cái bình/âu miệng rộng, phủ một chiếc khăn xô dệt sợi dày và cố định cho chặt (không phủ quá căng bởi khăn còn phải chứa sữa chua). Trút sữa chua lên bề mặt cho thoát bớt nước chua. Quá trình này sẽ mất khoảng vài tiếng, vì vậy bạn có thể dùng màng nilon bọc sữa chua lại và cất vào tủ lạnh để tránh các loại bụi bẩn bám vào sữa.
- Khi sữa chua đạt độ đặc vừa ý thì nhấc ra, trút vào hũ để dùng dần. Thời gian lọc sữa chua khoảng 2-4 tiếng tùy độ dày của vải.

CHÚ Ý:
- Không lọc sữa quá lâu kẻo bạn sẽ có món pho mát thay vì món sữa chua Hy Lạp đấy.
- Nước chua còn thừa có thể dùng trong món smoothie.
- Ngoài ra nước chua có thể dùng để làm men cho lần làm sữa chua tiếp theo.

Wednesday, July 15, 2015

Chế biến một món smoothie xanh bổ dưỡng và ngon lành

Gần đây mình tăng cường sử dụng thêm rau xanh trong món smoothie, vì càng ăn được nhiều rau càng tốt mà. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo người lớn nên ăn mỗi ngày ít nhất 400g rau củ quả (trừ các loại củ nhiều bột như khoai tây, khoai sọ) để phòng ngừa hàng loạt bệnh như béo phì, tiểu đường, ung thư các loại. Ngoài ra, nên duy trì chế độ ăn hạn chế dầu mỡ, các loại đường và muối. Bạn có thể nghiên cứu thêm ở các bài viết tại trang web của WHO tại đây. Ngoài ra còn có báo cáo Hướng dẫn về khẩu phần ăn cho người Mỹ năm 2010 của Bộ Y tế Mỹ (mình nghĩ rằng nguyên tắc của nó có thể được áp dụng cho cả người Việt với một tí tẹo điều chỉnh bởi vì Bộ Y tế nhà mình chẳng có hướng dẫn gì cho dân mình cả).


Đối với một số người không khoái ăn món rau lắm thì việc uống hết một cốc smoothie chứa nhiều loại rau củ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc ăn hết một đĩa rau luộc. Tất nhiên sẽ có một số khó khăn ban đầu, bởi một số loại rau xanh khi chưa qua đun nấu sẽ có vị đắng và mùi ngái. Nhưng bạn hãy tin rằng chúng chứa nhiều dinh dưỡng hơn nhiều so với sản phẩm đã qua chế biến và xử lý bởi nhiệt. Ví dụ: bắp cải có rất nhiều thành phần chống bệnh ung thư, nhưng chúng lại bị nhiệt phá hủy. Do đó, nếu bạn ăn bắp cải luộc, xào, nấu canh, bạn sẽ không được hưởng lợi ích như việc cho mấy lá bắp cải vào smoothie và dùng ngay.

Nếu mới bắt đầu làm quen với smoothie xanh, bạn có thể sử dụng các loại rau có mùi nhẹ và vị nhạt (như rau xà lách xoăn), với số lượng ít. Dần dần bạn sử dụng các loại rau có mùi vị rõ nét hơn (cải bắp, cải kale, cải xoong, rau cần tây…) và số lượng tăng dần lên.

Cách làm smoothie xanh rất đơn giản, và bạn có vô số cách lựa chọn để kết hợp chúng với nhau. Bạn phải đảm bảo tuyệt đối rằng nguồn rau củ quả của bạn là sạch, và tốt nhất là được trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ. Với các sản phẩm chưa đủ độ tin tưởng, bạn hãy ngâm rửa sạch, gọt vỏ trước khi dùng.

Nguyên tắc cơ bản cho món smoothie xanh

Bước 1: Chọn một loại rau xanh sạch
- Bỏ phần già, nhiều xơ. Với rau mềm như xà lách thì có thể dùng cả.
- Chọn mỗi ngày một loại rau xanh khác nhau để đổi món và tăng dinh dưỡng.

Bước 2: Chọn 2 hoặc 3 loại quả mà bạn yêu thích
Hãy nhớ chọn ít nhất một loại quả có độ mềm và ngọt như chuối, cam hoặc đu đủ để cho món smoothie có độ sánh đặc.

Bước 3: Cho tất cả thành phần vào máy xay, thêm chất lỏng (sữa thực vật, nước dừa, nước lọc, nước khoáng) và xay ở tốc độ cao nhất tối đa 30 giây và bạn đã có món smoothie xanh rồi!
Smoothie xanh mới làm chứa rất nhiều dinh dưỡng, vitamin B2, vitamin C và chất chống oxy hóa.

Dưới đây là một số gợi ý cho món smoothie xanh cho các bạn tham khảo:

Smoothie xanh với chuối ổi và dứa
- 1 quả chuối chín đồi mồi
- 1 quả ổi đào đã chín mềm
- một miếng 1/8 quả dứa cỡ vừa
- 1 nắm rau xà lách xoăn vàng
Cho hoa quả vào cối xay trước, thêm nước cho vừa đến mức 500ml (thường được đánh dấu trên cối xay), đậy nắp và xay nhuyễn. Rót ra cốc và dùng luôn.

Smoothie xanh với thanh long và chanh leo
- 1 quả thanh long
- nước cốt 1 quả chanh leo
- 1 quả chuối chín đồi mồi
- 1 nắm rau cải chíp
- một nhúm giá đỗ hoặc rau mầm
Cho các thành phần vào máy, thêm nước cho đủ mức 500ml rồi xay đều. Rót ra dùng luôn.

Smoothie xanh với lê và dứa
- 1 quả chuối chín đồi mồi
- 1 quả lê
- một miếng 1/8 quả dứa cỡ vừa
- 1 nắm rau cải xoong
- 1 nắm rau xà lách
- ½ thìa con bột quế
- 1 thìa con dầu dừa
- 1 thìa to (15g) bơ vừng 
Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay (hoa quả cứng và nặng xuống trước, rau và các thành phần nhẹ lên trên), thêm nước cho đủ mức 500ml. Xay khoảng 30 giây cho mịn. Rót ra dùng luôn.

Wednesday, July 8, 2015

Con men gừng

Nếu bạn muốn tự làm bia gừng (hoặc các loại bia hoa quả khác) mà không cần phải đi mua men bên ngoài, thì con men gừng là cách dễ nhất và bền nhất để bạn có được món bia hoa quả sủi bọt mà không tốn quá nhiều công sức. Tất cả những gì bạn cần là gừng, đường, nước lọc và khoảng 7-8 ngày. Bạn có thể "nuôi" con men gừng rất lâu, chỉ cần cho nó "ăn" đều đặn.

NGUYÊN LIỆU
- 1-2 củ gừng
- 150g đường trắng hoặc đường nâu (lưu ý mọi loại chất tạo ngọt khác như mật ong, mật mía... đều không được).
- 500ml nước

CÁCH THỰC HIỆN
Gừng rửa thật sạch, giữ nguyên vỏ, mài nhỏ và bỏ vào một cái lọ khoảng 1 lít. Thêm 3 muỗng canh đường và 500ml nước. Dùng muỗng/đũa gỗ hoặc nhựa khuấy đều (lưu ý không dùng vật dụng bằng kim loại để tránh gây ô nhiễm cho men). Dùng một miếng vải sạch bọc lên miệng lọ, cố định bằng dây thun.
Trong 5 ngày tiếp theo (có thể mất khoảng 7-8 ngày tùy thuộc vào nhiệt độ, nhưng không được lâu hơn): mỗi ngày đảo hỗn hợp ít nhất 1 lần và thêm 1 muỗng canh gừng mài và 1 muỗng canh đường vào.
Hỗn hợp "sống" sẽ hình thành nên các bọt khí, trở nên mờ đục, có mùi men và sủi bọt khi bị khuấy lên. Nếu bạn phát hiện có nấm mốc thì phải gạt hết đi. Nếu có quá nhiều nấm mốc, hoặc quá trình kéo dài hơn 7-8 ngày thì phải bỏ đi làm lại.
Bạn phải giữ men gừng tránh xa các loại rau dưa muối, kombucha và men khác để tránh ô nhiễm.
Mỗi ngày, bạn cho men gừng "ăn" một thìa cà phê đường và một thìa cà phê gừng mài. Nếu không, cất lọ men gừng vào tủ lạnh, mỗi tuần cho ăn một lần. Khi nào cần dùng, bạn cho con men ra nhiệt độ phòng và cho ăn hàng ngày.

Khi đã có con men, bạn có thể bắt đầu làm các món bia hoa quả và soda sủi bọt rồi :)
Chúc các bạn thành công!

Friday, July 3, 2015

Pudding chuối hạt chia sữa dừa

Mình thường làm pudding với hạt chia và gần như bất kỳ loại hoa quả mềm nào mình tìm thấy trong tủ lạnh. Chỉ mất vài phút thực hiện, một tiếng chờ đợi (hoặc không), bạn sẽ có món pudding ngon lành và hấp dẫn. Dưới đây là món pudding chuối, hạt chia và sữa dừa mình hay để sẵn trong tủ đề phòng lúc thèm ăn vặt. Với rất nhiều dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, tất nhiên đây là một món pudding lành mạnh rồi.


NGUYÊN LIỆU
- 1 quả chuối chín
- 100ml sữa dừa
- 2 thìa to hạt chia
- nếu thích, bạn có thể thêm một ít tinh dầu vanilla.

THỰC HIỆN
Chuối bóc vỏ cắt miếng, trộn với sữa dừa và xay nhuyễn. Thêm hạt chia và xay khoảng vài giây cho trộn đều hỗn hợp.
Trút hỗn hợp ra hũ, đậy kín và để khoảng 1 tiếng cho hạt chia nở ra. Nếu không thể chờ được, bạn có thể dùng luôn, nhưng sẽ không có cái thú vị khi được ăn hạt chia đã nở ra và tiết nước keo (giống như hạt é).

Wednesday, July 1, 2015

Đồ uống yêu thích mới: Agua Fresca

Mình lần đầu được biết đến món agua fresca (dịch sát nghĩa là fresh water - nước "tươi mới") khi đi thăm Cuba. Nó là món đồ uống đứng giữa nước lọc và sinh tố, với thành phần chính là nước, thả thêm hoa quả, thảo mộc tươi, có hoặc không thêm chất tạo ngọt (món mình uống ở phòng chờ khách sạn tại La Havana không thêm gì để tạo ngọt). Hương vị của nó nhẹ nhàng, có mùi thơm của hoa trái, và rất phù hợp cho những ngày nóng nực. Hãy thử tưởng tượng bạn uống một cốc agua fresca trong một buổi chiều nắng chói chang xem. Một cảm giác thực sự sảng khoái!
Agua fresca thực ra rất dễ làm, chỉ là nước và hoa quả, thảo mộc. Bạn có thể cắt hoa quả thành miếng nhỏ và thả vào, hoặc có thể cho hoa quả và nước vào máy xay sinh tố để thịt quả được pha đều với nước. Có vô số lựa chọn cho bạn để có một cốc agua fresca.
Mình xin giới thiệu công thức cơ bản cho món agua fresca mà mình vẫn hay làm trong ngày nóng:

NGUYÊN LIỆU
- 1 quả dứa, hoặc bất kỳ loại quả nào bạn thích
- 2 lít nước

THỰC HIỆN
Dứa rửa sạch, gọt vỏ, cắt miếng vừa. Cho dứa và khoảng 200ml nước vào máy xay, bật máy khoảng 20 giây.
Trút hỗn hợp vào bình to, cho nốt số nước còn lại vào. Cất món agua fresca vào tủ lạnh khoảng 2-4 tiếng cho ngấm hương vị hoặc thêm đá để dùng luôn.

Bạn có thể có rất nhiều cách để làm món agua fresca, và mình đảm bảo là bạn không thể thất bại được đâu, cứ mạnh dạn thử các combo mà bạn cho là thú vị.
Happy sipping!