Saturday, August 29, 2015

Bia gừng (từ con men gừng)

Ngay từ lần đầu tiên được uống món bia gừng (ginger ale) trong một hội chợ cuối tuần tại Bỉ, mình đã quyết định rằng đây là món uống yêu thích của mình, dù hồi đó mình chưa biết cách làm bia gừng tại nhà. Bia gừng thực sự không phải là bia, từ "ale" trong tiếng Anh không có từ tương đương trong tiếng Việt. Ale là loại đồ uống lên men ở nhiệt độ ấm, có hương vị đậm đà và mùi thảo mộc được sử dụng làm nguyên liệu (ví dụ như mùi gừng, mùi trái cây). Bia là đồ uống lên men nhưng có sử dụng hoa bia (hop). Món bia gừng không chỉ thơm mùi gừng, ngọt dịu, có một ít sủi bọt, mà còn chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa nữa. Dù gọi là bia, nhưng đây thực ra chỉ là nước uống lên men, chưa đến mức có độ cồn quá cao (có lẽ chỉ khoảng 1% cồn thôi) nên bạn không sợ bị say hay bị nói là "ma men" khi nghiện món này đâu.
Đến khi về Việt Nam, món bia gừng yêu thích không còn sẵn có nữa, mình mới mày mò học cách làm bia gừng. Hóa ra cách làm khá đơn giản, tất cả những gì bạn cần là gừng, đường, con men gừng, chanh và rất nhiều kiên nhẫn.

NGUYÊN LIỆU
- 2 lít nước sôi để nguội
- 250g đường (đường trắng hoặc đường nâu, các loại chất tạo ngọt khác như mật ong đều không được)
- 400ml men gừng, cách làm men gừng tại đây
- Nước cốt của 6 quả chanh
- Một dúm hạt tiêu (nếu thích). Hạt tiêu làm tăng tác dụng của các loại lợi khuẩn trong men gừng.

CÁCH THỰC HIỆN
1. Đun sôi nước, đường, trút vào bình và để nguội về nhiệt độ phòng. Khi rót vào bình nhớ cẩn thận kẻo nước nóng sẽ gây nứt vỡ bình.
2. Khi nước đường đã nguội, thêm men gừng, nước cốt chanh, hạt tiêu đen vào, khuấy đều. Lọc hỗn hợp để tách các chất cặn khỏi hỗn hợp.
3. Đổ hỗn hợp vào chai soda có nắp vặn thật chặt, hoặc chai có chốt nắp (swing top bottle). Mình khuyến khích nếu bạn trữ trong chai thủy tinh thì cũng nên chừa lại một phần trong chai nhựa để kiểm tra sự lên men của bia gừng. Để chai ở nhiệt độ phòng từ 2 đến 4 ngày tùy vào nhiệt độ phòng. Trong mùa hè thì chỉ cần 2 ngày là chúng ta đã có món đồ uống sủi bọt rồi.
4. Thường xuyên kiểm tra chai bằng cách bóp thử chai soda nhựa. Nếu chai căng cứng thì tức là lượng khí carbonic đã được sản sinh trong quá trình lên men. Để quá lâu thì chai của bạn có thể bị bung/vỡ, và những thứ bạn muốn uống sẽ tung tóe hết trên bàn bếp. Mỗi ngày bạn có thể mở nắp chai một lần cho thoát bớt khí. Đóng chai lại thì khí sẽ lại được sản sinh tiếp.
5. Khi mở nắp chai và nghe thấy tiếng xì xì vui tai, bạn có thể cất chai vào tủ lạnh để ngăn quá trình lên men.
6. Thưởng thức khi món đồ uống đã lạnh. Bạn có thể trữ món bia gừng trong tủ lạnh trong khoảng 1-2 tuần, nhưng thường là không được lâu như vậy đâu (vì món bia gừng này rất dễ uống).

Khi nào quen với món bia gừng, bạn có thể thử nghiệm với các nguyên liệu khác, ví dụ như thêm nghệ, gừng, hoa quả tươi... vào hỗn hợp. Các lựa chọn kết hợp là vô số, vì vậy đừng ngại (và đừng nản nếu có một mẻ sản phẩm không thành công lắm).

Chúc các bạn thành công!

Monday, August 24, 2015

Hãy thay món sữa bò đơn điệu bằng món sữa hạt thơm ngon và bổ dưỡng

Trước hết mình phải nói là mình không ghét bỏ gì sữa bò. Mình coi sữa bò cũng như các loại thực phẩm khác trong thực đơn. Nhưng thực tình mà nói thì mình ghét uống sữa bò bởi mùi sữa không được hấp dẫn lắm. Từ bé mình đã thích uống sữa đậu nành mẹ làm, sau này lớn lên được tiếp xúc với các loại hạt khác, mình cảm thấy hợp với các loại sữa hạt hơn là sữa bò. Mấy năm gần đây "tàu ngầm" trong hội bỉm sữa, mình còn biết thêm nhiều tác dụng của các loại sữa hạt đối với các trẻ em, người già, phụ nữ... Vì thế mình rất chịu khó làm sữa hạt (cái máy xay bây giờ là vật dụng được yêu thương nhất nhà rồi).


Công thức làm sữa hạt thực ra rất đơn giản, chủ yếu là ngâm hạt một thời gian để hạt ngấm nước (nhằm hòa tan các chất độc và các chất ức chế dinh dưỡng trong hạt, để hạt đạt điều kiện dinh dưỡng tốt nhất), một số loại hạt nhỏ quá thì không cần thiết phải ngâm. Mình đã tìm hiểu và rút ra một số loại hạt sau có thể làm sữa hạt rất tốt, mà lại có hương vị thơm ngon hấp dẫn nữa. Dưới đây là danh sách hạt, công dụng và thời gian ngâm hạt để cả nhà tham khảo.

Loại hạt
Đặc điểm dinh dưỡng
Thời gian ngâm
Hạt thông
Chứa nhiều sắt, bổ máu
8 tiếng
Hạt macadamia (loại này là đắt nhất trong các loại sữa hạt, nhưng cũng là loại ngon nhất, mình làm đúng 1 lần)
Chứa rất nhiều chất béo không bão hòa, tốt cho tim mạch
8 tiếng
Hạt óc chó
Ngăn ngừa trầm cảm và bệnh Alzheimer’s
4 tiếng
Hạt hồ đào
Hạ cholesterol
4-6 tiếng
Hạt dẻ
Giảm căng thẳng

Hạnh nhân
Tốt cho tim mạch, chữa đau đầu, ngăn ngừa béo phì.
8-12 tiếng
Hạt điều
Chống sỏi mật
2 tiếng
Hạt dẻ cười
Củng cố cholesterol tốt, tốt cho nam giới
không cần ngâm
Lạc
Tốt cho tim mạch.
Chú ý có người bị dị ứng lạc.
8 tiếng
Hạt Brazil
Cải thiện tâm trạng, tăng cường miễn dịch, tăng mọc tóc.
Không nên sử dụng quá nhiều loại hạt này, có thể gây ngộ độc selenium.
4 tiếng
Đậu nành, đậu đen, đậu đỏ, đậu dẹt...
Tốt cho tim mạch, tốt cho nữ giới
6-8 tiếng
Hạt hướng dương, hạt vừng, hạt chia, hạt bí, hạt lanh, hạt hemp, gạo…

không cần ngâm

Mặc dù sữa hạt tự nó đã có hương vị riêng biệt và ngon theo cách của nó, với một số đối tượng như trẻ em (hoặc ông xã tham ăn nhà mình) thì sữa hạt vẫn cần có thêm một chút hương vị. Mình đã thử nghiệm và áp dụng một số cách để món sữa hạt được hấp dẫn hơn mà vẫn giữ được tính chất "tốt cho sức khỏe":

- Chất tạo ngọt: mật ong, quả chà là (nhớ dùng loại không có hạt), đường nâu, đường đen...
- Các loại hương vị: vanilla, cacao, nghệ, quế, nhục đậu khấu, bạch đậu khấu...
- Ngoài ra, thay vì nước lọc, bạn có thể dùng nước dừa, hoặc thêm 1/3 quả chuối để được món sữa hạt sánh hơn...

Vậy phần bã sau khi lọc sữa có thể sử dụng làm gì? Có một số cách như sau (mọi người có thể đóng góp ý kiến để đỡ phải bỏ phí nhé):

- Phơi/sấy khô phần bã, nghiền thành bột. Dùng trong các món sinh tố hoặc khi làm bánh.
- Làm bánh quy: Dùng máy xay trộn đều bã với quả chà là đã tách hạt, bơ hạt, cùi dừa vụn & gia vị (quế, nhục đậu khấu...). Vo thành viên tròn rồi lăn qua cùi dừa vụn hoặc bột cacao. Thưởng thức cùng với món sữa hạt bạn vừa làm.
- Làm bơ tươi: Dùng máy xay trộn hỗn hợp với một ít men dinh dưỡng, tỏi, nước chanh, lá gia vị tươi và muối. Dùng để phết bánh.
- Làm bột tẩy da chết toàn thân (rất an toàn và hiệu quả).

Đây là những thông tin tổng quan nhất về các loại sữa hạt. Khi nào có thời gian mình sẽ giới thiệu cách làm những món sữa hạt mà mình đã thử nghiệm và thành công.
Chúc cả nhà ăn uống lành mạnh và khỏe đẹp!

Tuesday, August 18, 2015

Horchata - Sữa gạo kiểu Mexico

Mình là một người hay lang thang đọc công thức nấu ăn trên mạng, đọc thì nhiều nhưng làm thì ít, mà mỗi khi làm là y như rằng có sự thay đổi trong công thức (đây chính là lí do khiến mình chưa bao giờ thành công với các món bánh yêu cầu cân đo đong đếm tỉ mẩn). Một ngày đẹp trời nọ, lang thang trên Pinterest, mình gặp công thức món Horchata, một món đồ uống có màu trắng sữa làm từ gạo tẻ, hạt hạnh nhân và một số loại gia vị như quế, vanilla. Vốn là người hâm mộ hạt hạnh nhân (mình thường hay làm sữa hạnh nhân để uống và cho vào smoothie buổi sáng), mình quyết định thử luôn. Kết quả ngoài sự mong đợi: Mẻ đầu tiên chỉ hơn 1 lít đã bị cả nhà chê… ít quá. Món sữa thơm phức mùi quế, hạnh nhân và vanilla, hương vị mát lành khiến cho ai cũng mê và muốn uống thêm, dù ban đầu mọi người hơi e ngại gạo chưa được nấu chín. Kết quả là bây giờ mình quyết định sẽ đưa món horchata vào danh sách các món đồ uống được thường xuyên sử dụng để giải khát cho cả nhà.
Image: http://www.loveandoliveoil.com/
Món horchata có rất nhiều phiên bản, mình đã thử nghiệm thành công phiên bản truyền thống, và sẽ thử nghiệm thêm các phiên bản khác nữa. Nhưng trước hết mình chia sẻ kinh nghiệm về phiên bản “truyền thống” mà người đăng bài tuyên bố là của “bà ngoại của bà ngoại tôi đã làm”. Phiên bản đã được Việt hóa do mình không dùng đơn vị đo lường của Mỹ nhé (cứ cup với teaspoon làm mình rất bối rối ấy).

Nguyên liệu (để làm được khoảng 2 lít horchata):
- 1 bát cơm gạo tẻ hạt dài;
- 1 nắm hạt hạnh nhân (khoảng 15-20 hạt), có thể dùng loại còn nguyên hoặc loại đã tách vỏ lụa;
- 1 thanh quế dài bằng ngón tay;
- 1 thìa con tinh dầu vanilla (nên dùng loại tinh dầu tự nhiên vì tinh dầu tổng hợp nếu dùng nhiều dễ bị lẫn vị đắng);
- 500 ml nước sôi, 1,5 lít nước sôi để nguội;
- đường hoặc mật ong.

Cách làm:
1. Gạo và hạt hạnh nhân cho vào cối xay khô, xay cho đến khi thành dạng bột (bột mịn càng tốt, không thì hơi lợn cợn cũng được). Đổ hỗn hợp bột vào một chiếc tô to có nắp đậy.
Đun sôi tầm 500ml nước, đổ vào hỗn hợp bột, thả thêm thanh quế đã bẻ thành nhiều mảnh và vanilla vào, khuấy đều.
Đậy tô lại, cất vào tủ lạnh ít nhất 8 tiếng cho ngấm.

2. Lấy tô gạo ngâm ra, khuấy thêm một lượt, bỏ quế khỏi tô.
Trút cả tô vào máy xay sinh tố, thêm phần nước lạnh còn lại, bật nút xay để trộn đều hỗn hợp lên. Nếu máy xay nhỏ, bạn có thể chia làm 2 lần xay.
Dùng rây lọc, phía trên rây lọc lót một miếng vải xô, từ từ lọc hỗn hợp gạo ngâm sang một chiếc bình hoặc tô khác. Khi nước quá đặc không chảy được nữa thì túm đầu miếng vải xô và bóp cho nước chảy ra hết. Phần bã bỏ đi (hoặc làm gì thì mình chưa nghĩ ra, mình đã thả vào thùng compost rồi).

3. Thưởng thức:
Thêm đường hoặc mật ong cho vừa đủ độ ngọt mà bạn thích.  Uống ngay hoặc cất trong tủ lạnh. Lưu ý khi cất trong tủ lạnh, phần bột gạo sẽ lắng xuống dưới, đừng lo, đây là chuyện bình thường, bạn chỉ cần khuấy đều lên trước khi uống là được.
Món này có thể cất giữ trong tủ lạnh khoảng 3 ngày (có thể hơn, nhưng chắc là không tồn tại được lâu vì cả nhà ai cũng sẽ thích bạn ý).

P/S: Mình đã thử công thức này dưới nhiều dạng: có hạnh nhân, không hạnh nhân, thêm hạt vừng/hồ đào/óc chó/lạc rang, pha thêm sữa tươi/sữa đậu nành, thêm một vài giọt rượu rum/vodka, lần nào cũng được khen ngợi nức nở. Bạn có thể tùy ý biến tấu món đồ uống này theo trí tưởng tượng và sự linh hoạt của mình nhé. Mình sẽ post hướng dẫn món horchata phiên bản có cồn sau.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng!!

Tuesday, August 11, 2015

Smoothie xoài chuối sữa chua


OK, giờ thì rất nhiều mẹ bỉm sữa kêu gọi phong trào tẩy chay sữa bò, nên món smoothie của mình cũng hạn chế sự xuất hiện của sữa và các sản phẩm từ sữa bò. Nhưng nếu  nhìn với thái độ bớt gay gắt một chút, thì sữa bò cũng là một trong các món ăn ngon mà chúng ta có thể sử dụng. Tại sao lại ăn thịt bò, thịt heo, trong khi không dùng sữa bò nhỉ? Nó cũng chỉ là một món thông thường thôi mà.

Mình giới thiệu món smoothie xoài chuối sữa chua thỉnh thoảng mình vẫn làm như sau:

NGUYÊN LIỆU
- 1/2 quả xoài chín, gọt vỏ, cắt miếng (có thể trữ đông trước)
- 1 quả chuối chín, bóc vỏ, cắt miếng
- 1 nắm hạt hạnh nhân đã bóc vỏ lụa (có thể ngâm sẵn từ đêm trước)
- 1 hũ sữa chua không đường (110ml)
- 150ml nước lọc hoặc 5-7 cục đá

THỰC HIỆN
Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay thật mịn. Dùng ngay.

Friday, August 7, 2015

Smoothie dưa lưới ổi chuối

Gần như hoa quả gì mình cũng có thể làm được smoothie, đôi khi sự kết hợp "liều mạng" không đem lại kết quả tốt, nhưng đôi khi nó lại thành công ngoài mong đợi. Món smoothie dưa lưới ổi chuối của mình gồm các thành phần dưa ăn thừa từ bữa tối hôm trước, ổi chín nhũn không ai chịu ăn (vì mọi người thích ăn ổi giòn) và chuối đông lạnh có sẵn trong tủ. Đảm bảo với bạn rằng món smoothie ngọt và thơm ơi là thơm. Lại một bữa sáng nhanh gọn trong vòng 3 phút :)


NGUYÊN LIỆU
- 1 miếng (200g) dưa lưới gọt vỏ cắt miếng
- 1 quả ổi chín mềm, chỉ lấy phần thịt quả, bỏ phần hạt cứng
- 1 quả chuối cắt miếng, đông lạnh
- 100ml sữa hạt
- 1 thìa bột nghệ
- mật ong tùy khẩu vị (món này các thành phần đều tương đối ngọt nên mình không cho)

THỰC HIỆN
Cho tất cả thành phần vào máy xay đến khi đạt độ mịn vừa ý. Dùng luôn.

Monday, August 3, 2015

Cách làm sữa đậu nành

Sữa đậu nành có lẽ là loại sữa thực vật phổ biến nhất và dễ tìm nhất trong các loại sữa hạt. Tuy nhiên, mình vẫn thích làm sữa đậu nành tại nhà bởi sữa mình làm luôn đặc hơn và thơm hơn nhờ có thêm thành phần là hạt lạc cùng chất tạo ngọt tự nhiên là quả chà là. Dưới đây là cách mình vẫn hay làm để có những ly sữa đậu nành thơm ngon và bổ dưỡng.


NGUYÊN LIỆU (cho khoảng 2 lít)

- 150g đậu nành
- 50g lạc
- 5-7 quả chà là đã tách hạt (nhiều hoặc ít hơn hoặc không cho tùy khẩu vị của bạn)
- 2 thìa bột quế (có thể bỏ qua)
- 2 lít nước

THỰC HIỆN

1. Hạt đậu nành ngâm nước khoảng 6-8 tiếng cho nở căng. Bạn có thể ngâm lâu hơn, hoặc ủ cho tới khi nứt mầm để có món sữa mầm đậu nành cực kỳ tốt cho sức khỏe (đặc biệt là cho nữ giới). Hạt sau khi ngâm sẽ nở ra to gấp khoảng 3 lần ban đầu.

2. Cho hạt đậu nành, lạc, chà là, bột quế và khoảng 200ml nước vào cối xay, bật chế độ xay cao nhất để xay nhuyễn. Sau khi xay, bạn thêm nước cho đủ mức mong muốn để pha loãng hỗn hợp cho dễ lọc.
Lót một miếng vải xô lên rây lọc, rót hỗn hợp đã xay lên để lọc. Sau khi nước chảy qua hết, bạn túm đầu miếng vải xô và vắt cho kiệt nước. Phần bã bạn tiếp tục cho vào cối, cho thêm nước, xay thêm một lượt nữa để tận dụng hết chất dinh dưỡng trong hạt và tiếp tục lọc như lần trước.

3. Sau khi lọc xong, bạn đun sôi sữa đậu nành (hớt hết phần bọt váng nổi lên), chờ nguội và đóng chai. Sữa đậu nành nhà làm có thể bảo quản trong tủ lạnh đến 3 ngày.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng!

Sunday, August 2, 2015

Tzatziki - salad sữa chua dưa chuột kiểu Hy Lạp

Nếu bạn đã từng viếng thăm Hy Lạp, hoặc đã được thưởng thức món ăn truyền thống của Hy Lạp thì chắc bạn sẽ nhận thấy món tzatziki - salad sữa chua dưa chuột là không thể thiếu trong bữa ăn của người dân xứ Địa Trung Hải này. Thực ra món tzatziki này rất dễ làm, chỉ mất vài phút với một vài nguyên liệu cơ bản thôi. Mùi vị chua chua, thơm thơm, dịu dịu của tzatziki rất hợp với các món nướng và chống ngán hiệu quả.
Mình xin chia sẻ công thức tzatziki mà mình đã thực hiện một thời gian khá dài và luôn luôn thành công.

NGUYÊN LIỆU
- 100g sữa chua Hy Lạp
- 2 quả dưa chuột, bào nhỏ, vắt bớt nước
- 15ml dầu ô liu
- 2 thìa cà phê nước cốt chanh
- 1 dúm muối, hạt tiêu
- 2 cây thì là, xắt nhỏ

THỰC HIỆN
Trộn đều tất cả các nguyên liệu trên trong một cái âu. Cất vào tủ lạnh khoảng 30 phút. Dùng kèm với món nướng, hầm.