Saturday, April 2, 2016

Smoothie dâu tằm

Chúng ta đang quá ám ảnh với các loại quả có tính chống oxy hóa cao có nguồn gốc nước ngoài như việt quất, quả mâm xôi,... mà quên đi mất là ở Việt Nam cũng có vô số loại quả có tính chất quý giá không thua kém gì. Có thể nhắc tới quả dâu tằm mà cứ đến mùa là các bà các mẹ lại cõng từng gánh đi bán dọc đường. Nó có tác dụng chẳng thua kém gì quả việt quất đâu, không tin bạn google thử xem! Theo như suy đoán của mình thì do chúng ta đang đọc nhiều sách báo tài liệu dinh dưỡng của phương tây quá nên cứ tưởng những loại cây trái đặc trưng của họ là tốt, nhưng bạn nên biết là một số loại "siêu thực phẩm" mà họ mới cho là được phát hiện gần đây đều là sản phẩm của nhiệt đới cả, ví dụ như quả bơ, quả dứa, quả acai, thậm chí là quả thanh long cũng đang được quảng cáo rầm rộ. Tất cả có lẽ chỉ là vấn đề marketing thôi.


Quay lại với quả dâu tằm, tương tự như các loại quả mọng có họ với nó (việt quất, mâm xôi, dâu đen..), nó cũng chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thải độc cơ thể. Tại sao lại không đưa nó vào thực đơn khi mùa dâu đang đến chứ!

Mình xin giới thiệu với các bạn món smoothie dâu tằm mình dùng để ăn sáng trong mùa dâu chín mọng dưới đây:

NGUYÊN LIỆU
- 200g dâu tằm (và hỗn hợp việt quất, mâm xôi, dâu đen... nếu nhà bạn có điều kiện)
- 100ml sữa hạt/sữa dừa
- 200ml nước lọc
- 25g yến mạch

THỰC HIỆN
Dâu tằm rửa sạch, để ráo. Mình thường mua thật nhiều dâu tằm về, rửa sạch và trữ đông, khi nào muốn dùng thì chỉ việc lấy ra, bớt được nhiều công đoạn (và dự trữ được đến hết mùa).
Cho tất cả nguyên liệu vào cối, xay hỗn hợp cho tới khi đạt độ sánh mịn mong muốn. Dùng ngay.

Chúc các bạn ngon miệng, và hãy yêu sản phẩm của quê hương mình hơn nữa nhé :)

Thursday, March 10, 2016

Bia dứa - Pineapple beer

Đây là đồ uống truyền thống của Nam Phi với hai phiên bản: có cồn và không có cồn, chỉ khác nhau ở thời gian lên men. Tên gọi là bia nhưng nó không có mạch nha, không có hoa bia, mà quy trình lên men hơi giống với làm rượu vang hơn. Quy trình làm bia dứa cũng không đòi hỏi những tiêu chuẩn vệ sinh gắt gao như làm các món rượu khác, mình thấy dễ làm quá nên đã thử cho anh xã uống, nhưng phiên bản không cồn thì mình thích vì hương vị thơm phức và dịu mát, còn anh xã chê là "như nước quả ý". Phiên bản có cồn thì cả hai vợ chồng cùng ưng, nhưng anh xã thì thích để lên men lâu hơn cho tăng độ cồn. Nhà nào có trẻ con thì tốt nhất là dừng ở mức lên men sủi bọt chưa có cồn cho an toàn :) Dưới đây là công thức bia dứa sủi bọt để bạn "đổi vị" trong những ngày nóng nực nhé:

Nguyên liệu:
- 1 quả dứa to lành lặn, chín đều, không có vết thâm hay giập nát. Bạn sẽ dùng cả vỏ dứa nên hãy kì cọ cho thật sạch sẽ.
- 100g nho khô;
- 1 gói men rượu. Mình có sẵn men rượu vang nên xài luôn, nếu không có thì bạn kiếm men rượu bắc ở hàng khô, mình sẽ làm thử một mẻ bằng men rượu bắc xem thế nào rồi báo cáo sau nhé. Nếu dùng men rượu bắc thì phải giã thành bột, lọc hết trấu đi rồi mới dùng.
- 200g đường. Men rượu sẽ phân giải đường trắng để tạo ra cồn, vì thế nếu bạn muốn độ cồn cao hơn thì cho nhiều đường hơn.
- 3 lít nước lọc
- Bình thủy tinh/bình sứ sạch. Hạn chế dùng bình nhựa hoặc kim loại vì axit trong dứa có thể khiến cho các chất kim loại nặng hoặc chất nhựa thôi vào bia.
- Nếu muốn có thêm hương vị, bạn có thể thêm gừng rửa sạch cắt nhỏ, và/hoặc một vài thanh quế/vỏ cam… vào món đồ uống này.

Cách làm:
- Dứa cắt phần lá phía trên, rửa thật sạch, cắt thành nhiều miếng vuông quân cờ. Lấy hết quả dứa, kể cả lá và lõi nhé.
- Trộn dứa, nho khô, đường, nước trong bình. Rắc men rượu lên trên, để khoảng 5 phút cho ngấm nước rồi khuấy đều cả hỗn hợp lên.
- Lấy một miếng vải sạch phủ lên miệng bình, cột lại. Không đậy kín bình bằng nắp đậy, vì hỗn hợp cần có sự trao đổi không khí để lên men. Cất bình vào chỗ tối, mát mẻ khoảng 3 ngày (nếu nhiệt độ ấm, mùa đông thì phải mất khoảng 5 ngày). Mỗi ngày giở ra đảo đều 2 lần bằng đũa/vá sạch. Bạn sẽ thấy hỗn hợp trông khá "gớm ghiếc" với những bong bóng tụ thành mảng và sủi bọt, nhưng không sao đâu, đó là dấu hiệu các bạn men rượu đang tích cực làm việc. Mùi hương thì tất nhiên là… thơm phức.
- Sau ngày thứ 3, nếu muốn uống loại bia dứa không cồn thì bạn lọc bỏ bã, cho vào chai thủy tinh. Lưu ý để chai hở nút trong vòng 12 tiếng rồi mới đóng nút, kẻo khí CO2 tích tụ trong bia sẽ làm nổ chai.
- Nếu các bạn muốn uống bia dứa có cồn thì cứ để cho hỗn hợp tiếp tục lên men vài ngày nữa. Khi nào thấy hỗn hợp thôi sủi bọt (hoặc bạn nếm thấy vừa miệng – tất nhiên vẫn sẽ ngọt hơn bia và rượu vang mà bạn vẫn uống nhé, chỉ có tí cồn như kiểu rượu nếp nhà mình thôi, dù sao uống nhiều thì vẫn cứ say như thường) thì lọc và rót vào chai. Để hở miệng chai 12 tiếng rồi đóng nắp.
- Cất chai đã đóng nắp vào trong tủ lạnh, thưởng thức khi nào bạn thích. Món này có thể bảo quản trong tủ lạnh được tầm 1 tháng.

Happy sipping!

Thursday, February 18, 2016

Sữa vừng

Mấy năm gần đây mình tiếp cận được với nhiều quan điểm chống lại sữa bò, ủng hộ các thực phẩm thay thế từ thực vật. Mình không hẳn là nghiêng về phe "sữa bò toàn năng" hay phe "sữa bò là tàn nhẫn, hủy hoại môi trường…" đang tranh cãi kịch liệt, chỉ đơn thuần coi sữa bò như một trong các nguồn dinh dưỡng mà con người bổ sung hàng ngày, như thịt gà thịt bò thôi. Ai kêu gọi tẩy chay sữa bò vì lí do nhân đạo mình nghĩ chắc đều là người ăn chay cả? Mình là người ăn tạp, nên không ngại việc lâu lâu uống một ít sữa bò :D Tuy nhiên mình cũng rất thích tìm hiểu mày mò các công thức làm sữa từ các loại hạt, vì chúng có mùi hương rất hấp dẫn, hơn hẳn sữa bò :)
Mình chia sẻ công thức sữa vừng mình làm ở đây, không hẳn là công thức cơ bản mà người ta vẫn hay làm. Mình bắt chước cách làm này từ một người bạn ở Pueto Rico. Các bạn ấy gọi nó là "leche de ajonjolí", một họ hàng của món horchata thần thánh mà mình đã post ở đây.

Nguyên liệu:
- 250g vừng (vừng trắng hay đen đều được, nhưng kết quả sẽ có màu khác nhau đấy);
- 1 thìa con bột quế (có thể gia giảm theo ý người làm, nhiều bột quế thì sẽ có vị cay cay nồng nồng);
- 1 ít vanilla (như mọi lần: hãy dùng vanilla tự nhiên);
- 2 lít nước đun sôi để nguội;
- chất tạo ngọt tùy chọn (đường, mật ong, si rô lá phong…)

Cách làm:
- Vừng cho vào chảo, rang cho chín đều tỏa mùi thơm, không nên rang quá kĩ, hạt vừng nhỏ rất dễ cháy.
- Cho vừng rang vào cối xay, từ từ thêm nước, bột quế, vanilla vào, xay ở tốc độ cao, thêm nước nếu hỗn hợp quá đặc.
- Lọc hỗn hợp qua một cái rây có lót miếng vải xô, túm đầu miếng vải xô để vắt cho kiệt nước.
- Phần bã bỏ lại vào trong máy xay để xay tiếp lần 2 vì hạt vừng chứa rất nhiều dinh dưỡng, không nên bỏ phí :)
Phần bã sau lần xay thứ hai có thể dùng làm phân bón cho cây, hoặc trộn với các nguyên liệu khác để làm bánh quy vừng.

Thưởng thức:
- Thêm chất tạo ngọt cho vừa miệng.
- Món này có thể uống lạnh hoặc nóng. Nếu cất trong tủ lạnh thì có thể bảo quản được 3-4 ngày.

Saturday, February 13, 2016

Nước ép táo cà rốt trị ngáy

Mình đã từng post bài về phương pháp mình đã sử dụng để trị ngáy cho bố mình tại đây. Sau này có thêm nhiều dịp đọc và tìm hiểu, mình thấy có một số món sinh tố khác cũng có khả năng hỗ trợ trị chứng ngủ ngáy. Mình chia sẻ thêm món nước ép táo cà rốt trị ngáy, nó có tác dụng giảm sự hình thành đờm, ngăn chặn chúng tích lũy trong xoang và khoang mũi, giúp hạn chế chứng ngạt mũi và ngáy.

NGUYÊN LIỆU
- 2 quả táo
- 2 củ cà rốt
- 1/4 quả chanh (nguyên vỏ)
- 1 mẩu gừng khoảng 3cm

THỰC HIỆN
Khi chọn mua các loại nguyên liệu, hãy gắng lựa chọn sản phẩm sạch. Sản phẩm hữu cơ là tốt và an toàn nhất bởi vì bạn sẽ sử dụng cả vỏ của các loại rau quả này.
Rửa sạch các loại nguyên liệu, cắt nhỏ táo, cà rốt, bỏ hạt táo, chanh, cho vào máy ép lấy nước. Uống đều đặn cho tới khi triệu chứng ngủ ngáy giảm hoặc kết thúc.

Monday, February 1, 2016

Smoothie cam chuối yến mạch

Nếu bạn đang cần một bữa sáng nhanh gọn cho một ngày thứ Hai dậy muộn thì đây là món ăn cho bạn. Nó vừa cung cấp vitamin C, kali, protein, vừa chứa chất xơ giúp bạn đủ no đến tận trưa.


NGUYÊN LIỆU
- 1 quả cam gọt vỏ (nhớ giữ lại nhiều cùi trắng vì phần này chứa nhiều dinh dưỡng), bỏ hạt, cắt miếng
- 1 quả chuối bóc vỏ cắt miếng
- 1 muỗng canh (20g) yến mạch, bột hoặc nguyên hạt đã cán mỏng
- 200ml sữa hạt (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân...)
- 3-5 cục đá (vào mùa nóng, nếu bạn không dùng hoa quả đông lạnh)

THỰC HIỆN
Cho tất cả nguyên liệu vào máy, xay cho đến khi đạt độ mịn mong muốn. Thưởng thức ngay.

Saturday, January 30, 2016

Pudding hạt chia và chocolate cho lúc thèm ăn ngọt

Mình làm món này khi thấy thèm ăn món ngọt nhưng lại không muốn nạp quá nhiều đường vào người. Món pudding hạt chia và bột cacao này giúp đánh thức giác quan trong một ngày ủ dột và cung cấp năng lượng.


NGUYÊN LIỆU
- 200ml sữa hạnh nhân không đường
- 1,5 muỗng canh hạt chia (nếu thích đặc hoặc lỏng hơn bạn có thể gia giảm lượng hạt chia sử dụng)
- 1,5 muỗng canh bột cacao
- mật ong tùy ý thích

THỰC HIỆN
Trộn đều tất cả các thành phần cho đến khi cacao tan hết và hạt chia tách rời nhau ra. Cất vào trong tủ lạnh từ 1 tiếng đến qua đêm. Hạt chia sẽ nở ra làm món ăn đông lại. Khi ăn bạn kiểm ra độ đặc và có thể thêm sữa nếu thích.
Nếu muốn dùng nóng, cho vào lò vi sóng quay khoảng 20 giây.

Friday, January 29, 2016

Nước ép cam gừng tăng cường miễn dịch



NGUYÊN LIỆU:

   – 4 quả cam

   – 1 mẩu gừng bằng ngón tay cái

THỰC HIỆN:

Cam gọt vỏ (chỉ gọt phần vỏ ngoài chứa tinh dầu thôi, để lại phần cùi trắng vì cùi chứa chất bioflavanoid - có khả năng tăng cường hoạt tính của vitamin C, đẩy mạnh tuần hoàn máu, chống oxy hóa, trị dị ứng, viêm khớp và viêm nhiễm khác). Cắt cam thành từng miếng nhỏ hơn nếu thấy cần thiết.

Rửa gừng thật sạch, bạn nên giữ lại phần vỏ nếu là gừng sạch và không bị thối, hỏng (vỏ gừng cũng chứa nhiều hoạt chất tốt).

Ép 2 quả cam, ép gừng, rồi ép cam tiếp để tận dụng hết phần gừng.

Thưởng thức thứ đồ uống có tác dụng tăng cường miễn dịch này vào buổi sáng!

CÔNG DỤNG:

Cam có hàm lượng vitamin C và bioflavonoid cao là một thực phẩm có khả năng tăng cường miễn dịch, đồng thời chứa nhiều khoáng chất (nhiều canxi hơn sữa bò) và có khả năng thải độc tốt. Ép cam cả cùi giúp bạn tận dụng được lượng biolflavonoid trong cùi.

Gừng là liệu pháp sức khỏe cổ truyền chắc ai cũng biết. Củ gừng giúp kích thích tiêu hóa, tuần hoàn máu, giảm buồn nôn, đầy hơi, chữa cảm lạnh, đau họng và viêm nhiễm.

Vitamin C trong cam giúp tăng khả năng hấp thụ sắt và đẩy mạnh sản xuất hemoglobin (trong hồng cầu), tăng sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật, phòng ngừa ung thư, bệnh tim mạch, dị ứng, nhiễm trùng, cảm lạnh, stress và cả lão hóa nữa.

CHÚ Ý: 

Bạn nên uống nước cam chanh và nước quả vào buổi sáng, khi đói bụng. Nước cam chanh giúp tẩy độc cơ thể và cung cấp một lượng đường khá lớn. Cơ thể bạn sẽ đốt cháy lượng đường này một cách tối ưu vào buổi sáng, cho bạn một ngày mới đầy năng lượng!