Đây là đồ uống truyền thống của Nam Phi với hai phiên bản: có cồn và không có cồn, chỉ khác nhau ở thời gian lên men. Tên gọi là bia nhưng nó không có mạch nha, không có hoa bia, mà quy trình lên men hơi giống với làm rượu vang hơn. Quy trình làm bia dứa cũng không đòi hỏi những tiêu chuẩn vệ sinh gắt gao như làm các món rượu khác, mình thấy dễ làm quá nên đã thử cho anh xã uống, nhưng phiên bản không cồn thì mình thích vì hương vị thơm phức và dịu mát, còn anh xã chê là "như nước quả ý". Phiên bản có cồn thì cả hai vợ chồng cùng ưng, nhưng anh xã thì thích để lên men lâu hơn cho tăng độ cồn. Nhà nào có trẻ con thì tốt nhất là dừng ở mức lên men sủi bọt chưa có cồn cho an toàn :) Dưới đây là công thức bia dứa sủi bọt để bạn "đổi vị" trong những ngày nóng nực nhé:
Nguyên liệu:
- 1 quả dứa to lành lặn, chín đều, không có vết thâm hay giập nát. Bạn sẽ dùng cả vỏ dứa nên hãy kì cọ cho thật sạch sẽ.
- 100g nho khô;
- 1 gói men rượu. Mình có sẵn men rượu vang nên xài luôn, nếu không có thì bạn kiếm men rượu bắc ở hàng khô, mình sẽ làm thử một mẻ bằng men rượu bắc xem thế nào rồi báo cáo sau nhé. Nếu dùng men rượu bắc thì phải giã thành bột, lọc hết trấu đi rồi mới dùng.
- 200g đường. Men rượu sẽ phân giải đường trắng để tạo ra cồn, vì thế nếu bạn muốn độ cồn cao hơn thì cho nhiều đường hơn.
- 3 lít nước lọc
- Bình thủy tinh/bình sứ sạch. Hạn chế dùng bình nhựa hoặc kim loại vì axit trong dứa có thể khiến cho các chất kim loại nặng hoặc chất nhựa thôi vào bia.
- Nếu muốn có thêm hương vị, bạn có thể thêm gừng rửa sạch cắt nhỏ, và/hoặc một vài thanh quế/vỏ cam… vào món đồ uống này.
Cách làm:
- Dứa cắt phần lá phía trên, rửa thật sạch, cắt thành nhiều miếng vuông quân cờ. Lấy hết quả dứa, kể cả lá và lõi nhé.
- Trộn dứa, nho khô, đường, nước trong bình. Rắc men rượu lên trên, để khoảng 5 phút cho ngấm nước rồi khuấy đều cả hỗn hợp lên.
- Lấy một miếng vải sạch phủ lên miệng bình, cột lại. Không đậy kín bình bằng nắp đậy, vì hỗn hợp cần có sự trao đổi không khí để lên men. Cất bình vào chỗ tối, mát mẻ khoảng 3 ngày (nếu nhiệt độ ấm, mùa đông thì phải mất khoảng 5 ngày). Mỗi ngày giở ra đảo đều 2 lần bằng đũa/vá sạch. Bạn sẽ thấy hỗn hợp trông khá "gớm ghiếc" với những bong bóng tụ thành mảng và sủi bọt, nhưng không sao đâu, đó là dấu hiệu các bạn men rượu đang tích cực làm việc. Mùi hương thì tất nhiên là… thơm phức.
- Sau ngày thứ 3, nếu muốn uống loại bia dứa không cồn thì bạn lọc bỏ bã, cho vào chai thủy tinh. Lưu ý để chai hở nút trong vòng 12 tiếng rồi mới đóng nút, kẻo khí CO2 tích tụ trong bia sẽ làm nổ chai.
- Nếu các bạn muốn uống bia dứa có cồn thì cứ để cho hỗn hợp tiếp tục lên men vài ngày nữa. Khi nào thấy hỗn hợp thôi sủi bọt (hoặc bạn nếm thấy vừa miệng – tất nhiên vẫn sẽ ngọt hơn bia và rượu vang mà bạn vẫn uống nhé, chỉ có tí cồn như kiểu rượu nếp nhà mình thôi, dù sao uống nhiều thì vẫn cứ say như thường) thì lọc và rót vào chai. Để hở miệng chai 12 tiếng rồi đóng nắp.
- Cất chai đã đóng nắp vào trong tủ lạnh, thưởng thức khi nào bạn thích. Món này có thể bảo quản trong tủ lạnh được tầm 1 tháng.
Happy sipping!