Thursday, December 31, 2015

Nước ép bưởi giảm béo và trị rạn da


Có một loại trái cây rất phổ biến ở Việt Nam và cực kỳ có lợi cho sức khỏe mà không phải ai cũng biết: quả bưởi. Mình đã đọc rất nhiều bài báo viết về lợi ích của quả bưởi, nào là chống ung thư, hạ cholesterol, hạ huyết áp, kích thích tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, chống phù nề do tích nước, chống nhiễm khuẩn, hỗ trợ giảm cân... Quả bưởi còn chứa nhiều vitamin A, C, folate, canxi, phốt-pho, kali, bioflavinoids, axit citric và axit phenolic... Dùng bưởi thường xuyên sẽ có tác động tốt đến mọi mặt trong đời sống sức khỏe, từ tóc, da, mắt, móng tay đến tâm trạng. 

Với chế độ ăn hiện đại, người ta càng ngày càng sử dụng nhiều thức ăn có khả năng tạo axit trong cơ thể như sữa, thịt, cà phê, rượu, bia, đường, thậm chí cả các chất ô nhiễm như khói bụi... Ăn các loại thực phẩm này với số lượng ít thì không có hại, nhưng nếu sử dụng quá nhiều, thận và gan của bạn sẽ là những bộ phận chịu gánh nặng.

Do đó, cơ thể cần phải được TĂNG ĐỘ KIỀM, THẢI ĐỘC và TRẺ HÓA.

Món nước ép dưới đây có tác dụng giúp cơ thể ngăn chặn quá trình tích lũy chất độc trong cơ thể. Sau khi đã hình thành một nếp sinh hoạt lành mạnh, với thật nhiều thực phẩm sạch và tươi, mỡ sẽ giảm đi. Bạn sẽ thấy cơ thể mình có nhiều thay đổi, thậm chí nếu kiên trì, bạn có thể xóa nhòa các vết rạn da do tăng cân nhanh, giúp cho mắt sáng, tóc khỏe, da bóng mượt.

Nguyên liệu chính của món đồ uống này là bưởi. Bưởi có chức năng thải độc và giảm chất nhầy rất mạnh. Cơ thể chứa nhiều chất độc và có độ axit quá cao sẽ dễ tăng cân hơn bình thường. Những gốc axit xâm nhập vào tế bào khiến tế bào tích lũy chất béo. Những chất chống oxy hóa trong quả họ cam như bưởi, chanh giúp tế bào tống khứ mọi loại độc tố. Bên cạnh đó, hoạt chất trong bưởi còn giúp hòa tan chất nhầy (thủ phạm giữ các gốc tạo axit độc hại trong cơ thể). Có thể nói, lá gan của bạn sẽ rất hạnh phúc nếu bạn uống món nước này thường xuyên. Ngoài ra bưởi còn giúp làm sạch đường ruột và thanh lọc chất lỏng trong cơ thể bạn.

NGUYÊN LIỆU
2 quả bưởi nhỏ (bạn không cần mua bưởi quá xịn để làm nước ép, chỉ cần sản phẩm sạch là được)
1 quả chanh vàng
2 quả chanh xanh
1/4 quả dứa cỡ vừa
Một nắm gừng tùy theo lượng bạn muốn sử dụng

HƯỚNG DẪN
- Gọt bưởi, nhớ đừng gọt hết phần vỏ trắng bởi phần này chứa rất nhiều dinh dưỡng. Thực hiện tương tự với chanh (nếu có máy ép xịn thì bạn không cần phải gọt vỏ chanh). Cắt thành miếng nhỏ cho máy ép trái cây dễ hoạt động.
- Gọt dứa, cắt thành miếng vừa.
- Ép bưởi và chanh trước rồi ép dứa.
- Rót ra cốc và dùng luôn nếu bạn dùng máy ép tốc độ cao, nếu dùng máy ép tốc độ chậm, bạn có thể cất trong tủ lạnh và dùng trong 24 giờ. Món nước này sẽ hơi ngăm ngăm đắng, vì vậy nếu chưa quen, bạn hãy thêm một ít mật ong trước khi uống.

Chúc các bạn khỏe đẹp!

Wednesday, December 30, 2015

Sữa cam cacao nóng sốt thơm lừng cho mùa đông

Điều duy nhất mà mình thích vào mùa đông là được uống đồ nóng. Mình vẫn còn nhớ như in mùa đông năm 2013 khi mình thăm Stockholm cùng với hai người bạn. Đang lúc lang thang giữa cái lạnh -15 độ, hai chân tê cứng và bàn tay không còn cảm giác, ba đứa ngửi thấy mùi thơm quyến rũ tỏa ra từ một quán nhỏ ven đường. Ba đứa mở cửa vào quán như bước vào một thế giới khác hẳn, ấm áp, đông vui đầy không khí Giáng sinh, đậm đà mùi cacao và sữa nóng. Chúng mình mỗi đứa gọi một cốc cacao nóng và đến bây giờ nhớ lại, mình vẫn nghĩ đó là cốc cacao nóng ngon nhất mà mình từng được uống. Mùi cacao, mùi quế, mùi cam hòa quyện trong một cốc nước tưởng như làm các giác quan của mình "sống lại" - theo đúng nghĩa đen (dân châu Á chịu rét kém mà).


Mình vẫn hay làm lại món cacao nóng đó mỗi khi mùa đông về. Và mỗi lần uống cốc cacao này, mình lại nhớ đến thành phố Stockholm tuyết trắng bao phủ, ở đó có một quán nhỏ đèn vàng ấm áp và mùi hương ngọt ngào.

NGUYÊN LIỆU
- 2 muỗng canh bột cacao (mình dùng bột cacao nguyên chất không thêm đường)
- 200ml sữa (nếu không thích sữa bò bạn có thể thay bằng sữa hạt, mùi vị sẽ hơi khác một tị)
- 1 thìa con bột quế
- nước ép 1 quả cam
- đường, mật ong hoặc chất tạo ngọt tùy ý

THỰC HIỆN
Đun nóng sữa đến khi hơi bốc khói, đừng để sôi hẳn lên sữa dễ bị đóng váng. Thêm bột cacao, bột quế, nước cam, chất tạo ngọt rồi khuấy đều. Nếu thích bạn có thể nhỏ thêm 1 giọt tinh dầu cam cho dậy mùi thơm.
Dùng luôn lúc nóng.

Tuesday, December 29, 2015

Thêm một công thức trị ho từ dứa

Mình đã có một bài viết về nước dứa trị ho (tất nhiên phải là chứng ho không do các bệnh nguy hiểm như viêm phổi gây ra), mình đăng thêm một công thức trị ho từ dứa dành cho người lớn (vì có chứa rượu). Món này có thể dùng như một món tráng miệng, không những giúp trị ho mà còn giúp cho cơ thể có thêm sức đề kháng trong ngày đông lạnh giá nữa:

NGUYÊN LIỆU
- 1 quả dứa cỡ vừa, gọt vỏ và cắt thành miếng vừa
- 150g đường phèn (loại cục lớn màu nâu đen)
- 1 muỗng canh mật ong
- 1 bông hoa (quả) hồi
- 1 thanh quế
- một ít rượu rum
- nước cốt 1 quả cam
- nước cốt nửa quả chanh
- 50g bơ

CÁCH LÀM
Đun chảy đường phèn trong nồi, thêm hoa hồi, quế, mật ong và dứa đã cắt miếng.
Đảo đều, thêm rượu rum, nước chanh và nước cam. Đun sôi hỗn hợp khoảng vài phút.
Cuối cùng thêm bơ cho hỗn hợp thêm đậm đặc.
Nếu thích, bạn có thể rắc thêm vụn bạc hà hoặc hạnh nhân.

Monday, December 28, 2015

Bia gừng nghệ

Từ hồi có con men gừng, mình có hứng thú hẳn lên với các thử nghiệm bia gừng. Lần này mình giới thiệu món bia gừng nghệ, với màu vàng tươi của nghệ và tác dụng tốt cho sức khỏe. Cần gì phải uống nước ngọt có ga như Coca Cola hay Pepsi, đồ uống tại nhà vừa có tác dụng chống oxy hóa, vừa lợi cho tiêu hóa nữa, phải không?

NGUYÊN LIỆU
- 2 lít nước lọc
- 75g nghệ tươi mài vụn
- 250g đường (đường trắng hoặc đường nâu, không dùng mật ong hay các chất tạo ngọt khác)
- 400ml men gừng (cách làm tại đây)
- Nước ép của 2 quả cam (hoặc 1 quả bưởi)
- Nước ép của 4 quả chanh
- Một nhúm tiêu đen (để tăng cường tác dụng của curcumin trong củ nghệ)
Có thể các bạn đã biết, men gừng hoạt động tốt nhất với đường trắng, nhưng đường nâu hoặc đường chưa tinh chế cũng có thể sử dụng, dù thời gian lên men lâu hơn. Đừng lo lắng về việc bạn sẽ uống nhiều đường bởi vì đa số đường sẽ bị lên men nên món đồ uống của bạn sẽ không ngọt đến mức khé cổ đâu.

CÁCH THỰC HIỆN
Đun sôi nước, nghệ và đường trong một cái nồi khoảng 3-5 phút. Tắt bếp và chờ cho hỗn hợp nguội bằng nhiệt độ phòng.
Khi hỗn hợp nguội đi, thêm men gừng, tiêu đen, nước cam và nước chanh, khuấy đều. Lọc hỗn hợp để loại bỏ cặn khỏi chất lỏng.
Trút hỗn hợp đã lọc vào chai soda có nắp vặn thật chặt, để ở nhiệt độ phòng từ 2-4 ngày tùy nhiệt độ (càng lạnh thì càng mất thời gian và ngược lại). Thỉnh thoảng lại bóp thử chai xem quá trình lên men có hoạt động tốt hay không. Nếu quá trình lên men tốt, đường sẽ bị tiêu hóa và men sẽ thải ra khí CO2 làm căng chai. Mỗi ngày nên mở nắp chai một lần để tránh nổ chai (thứ nước màu vàng nghệ này mà tung tóe ra sàn bếp thì chắc là khó lau dọn lắm đấy).
Khi đã đạt độ lên men vừa ý, cho chai vào trong tủ lạnh để ngăn quá trình lên men. Có thể để trong tủ lạnh đến 2 tuần (nhớ lâu lâu phải mở nắp chai để tránh chai quá căng).
Uống lạnh, khi rót ra cốc bạn sẽ thấy món nước sủi bọt có màu vàng nghệ và mùi thơm.

Sunday, December 27, 2015

Smoothie gây sốt của Terri New York

Mặc dù đã về nước khá lâu, nhưng có lẽ ấn tượng về New York với mình mạnh quá, nên lâu lâu đọc tin thấy có chữ New York là mình lại có tí chú ý :) Hôm nay lượn lờ Pinterest, mình gặp thông tin về món smoothie mới đang gây sốt của chuỗi cửa hàng Terri New York, một chuỗi hàng đồ ăn nhanh nhưng lại có những sản phẩm thải độc cơ thể với mức giá vừa phải. Nói là giá vừa phải thôi, nhưng mình thấy giá của nó khá chát, một cốc sinh tố của nó có giá tận 6.99 đô!

Hình ảnh: buzzfeed.com
Bài báo đã chia sẻ về công thức món sinh tố của Terri NY do chính chủ nhân của chuỗi cửa hàng chia sẻ, gồm:
- 1/2 quả chuối to
- 1/2 quả lê
- 1 cup cải xoăn (kale), mình thấy bán tại đây, giá khá đắt vì loại rau này chưa được phổ biến lắm ở Việt Nam
- 1 muỗng canh bơ hạnh nhân, mình có hướng dẫn cách làm bơ hạnh nhân tại đây.
- 1 cup sữa đậu nành (có hoặc không có đường, tùy ý bạn)

Tất cả các nguyên liệu trên được cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố và xay cho tới khi trở thành một hỗn hợp mịn. Thế là bạn đã có một món sinh tố ngon lành hấp dẫn rồi!

Mẹo của Terri NY là cho hết các thành phần (trừ sữa đậu nành) vào cốc, trữ đông trong tủ lạnh, khi nào có khách gọi thì cho sữa đậu nành vào cốc, trút hết vào máy xay sinh tố để xay. Món ăn ngon lành này được phục vụ luôn trong cái cốc chứa nguyên liệu đó. Cách này quả là rất thông minh và tiết kiệm thời gian, mình đang có ý tưởng chia nguyên liệu vào các hũ thủy tinh và cất vào tủ lạnh cho tới khi nào mình dùng. Hơi tốn diện tích một tị nhưng mình không cần phải lo đong đếm mỗi khi làm smoothie nữa.

Tối nay mình sẽ về nhà làm thử món smoothie này xem nó có ngon như quảng cáo hay không. Chúc cả nhà ngon miệng!

Saturday, December 26, 2015

Sống khỏe nhờ tăng độ kiềm trong cơ thể

Mình hay đọc báo về sức khỏe, chắc dạo này gặp nhiều người đau yếu, ung thư quá nên cảm thấy có tí lo lắng với chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình. Hôm bữa trong lúc lang thang Internet, mình có đọc được một bài báo, đại ý như thế này:

Theo bác sĩ Otto Warburg, người được giải Nobel năm 1931 vì có công phát hiện bệnh ung thư, tế bào ung thư chỉ tồn tại được trong điều kiện cơ thể bị mất cân bằng pH, độ axit cao hơn độ kiềm, lượng oxy trong các tế bào thấp. Khi độ kiềm của cơ thể cao hơn, lượng oxy trong các tế bào cũng tăng, các tế bào ung thư không thể tồn tại được. Do đó, chỉ cần tìm cách nâng cao độ kiềm trong cơ thể, người ta có thể ngăn ngừa được bệnh ung thư. Ngoài ra, độ kiềm trong cơ thể còn có ảnh hưởng tới nhiều chứng bệnh như loãng xương, bệnh tim mạch, béo phì, ợ chua... Không chỉ người bệnh, mà cả người khỏe cũng nên duy trì độ kiềm cao trong cơ thể.

Bài báo này có nói đến một phương pháp đơn giản để tăng độ kiềm cho cơ thể: 1 thìa cà phê baking soda + 2 quả chanh pha vào 250ml nước ấm uống hết một lượt. Khi pha dung dịch này sẽ sủi bọt (do baking soda là kiềm tác dụng với acid citric trong chanh) nhưng không có vấn đề gì đáng lo ngại cả.

Ngoài ra, để nâng cao độ kiềm trong cơ thể, chúng ta nên giảm ăn protein (thịt, cá, tôm cua, các loại đậu đỗ, bơ sữa...), đường, cà phê, đồ ăn chế biến sẵn... Nên ăn các loại rau củ quả như cam, chanh, táo, chuối, dứa, chà là, nho khô, cải bắp, súp lơ, cà rốt, cà tím, nấm, rong biển, củ cải, bí ngô...

Giải thích thêm một chút về các loại thức ăn giúp nâng cao độ kiềm, giảm độ axit trong cơ thể, vì có người hỏi là tại sao cam, chanh chua thế (tức là có tính axit) mà lại giúp nâng cao độ kiềm? Câu trả lời là: Khả năng tạo độ kiềm của thực phẩm không hề liên quan gì tới độ pH của thực phẩm đó trước khi tiêu hóa. Cam, chanh... khi ở ngoài cơ thể có tính axit, nhưng các chất do cam chanh tạo ra sau khi tiêu hóa lại mang tính kiềm rất cao và không để lại cặn bã độc hại. Ngược lại, thịt và các sản phẩm từ động vật mang tính kiềm, nhưng sau khi tiêu hóa thì sản phẩm chúng tạo ra lại có tính axit và để lại nhiều tàn dư có tính axit trong cơ thể. 

Ngoài bài báo này, mình cũng thường xuyên gặp các bài viết liên quan tới chế độ dinh dưỡng nâng cao độ kiềm trong cơ thể. Có lẽ đây là một xu hướng đúng đắn. Thực ra mình nghĩ chế độ ăn theo xu hướng này không có gì là hại cả. Cuộc sống hiện đại bây giờ khiến cho chúng ta ăn quá nhiều thịt, nhiều đồ ăn sẵn, nhiều chất bảo quản quá, nên chỉ cần thay đổi theo hướng nhiều rau, chế biến thanh nhẹ, ăn uống sạch là đã có sự cải thiện đáng kể rồi.

Cố lên, việc gì cũng cần kiên trì. Chiến đấu để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình là một cuộc chiến rất dài :)

Friday, December 25, 2015

9 loại thực phẩm giúp giải độc cơ thể

Bạn có bao giờ cảm thấy cơ thể mình uể oải và cần được "khởi động lại" hoàn toàn? Đó là lúc cơ thể bạn đã tích trữ nhiều tạp chất độc hại, khiến nó không thể hoạt động hết công suất. Để có thể khôi phục sinh lực, bạn có thể sử dụng một số loại thực phẩm giải độc để giúp loại trừ những chất độc và cặn bã, giúp hấp thụ dinh dưỡng và vitamin tốt hơn. Bạn có thể tham khảo một số loại thực phẩm giải độc cơ thể hiệu quả như dưới đây:

1. Củ dền
Củ dền thường được sử dụng trong các món salad. Đây là một loại thực phẩm giải độc rất tốt mà bạn có thể ăn không hạn chế số lượng. Củ dền giúp cải thiện tiêu hóa, đảm bảo tống khứ mọi chất độc ra ngoài. Củ dền chứa nitrat thực phẩm, giúp mạch máu giãn nở, hấp thụ nhiều oxy hơn và đưa oxy tới những nơi cần oxy nhất.

2. Gừng
Khả năng chữa bệnh của gừng đã được ghi nhận từ thời cổ đại, với nhiều tác dụng từ chữa bỏng đến kích thích tiêu hóa. Ăn gừng hoặc uống trà gừng giúp hệ tiêu hóa thư giãn và dọn dẹp sạch chất độc trong dạ dày. Bạn có thể đun sôi nước với gừng để tăng hương vị, bởi nước cũng là thành phần thiết yếu trong quá trình thải độc cơ thể.

3. Chanh/nước chanh
Chanh pha với nước và ớt cay là một công thức thải độc rất hiệu quả. Chanh giúp đường ruột dọn bỏ chất thải hiệu quả và chứa axit tương tự với axit trong dạ dày, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và vận chuyển thức ăn trong hệ thống tiêu hóa.

4. Bưởi
Bưởi luôn nằm trong danh sách siêu thực phẩm, bởi nó chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Bưởi giúp kích hoạt gan, giúp lọc chất độc trong cơ thể, đồng thời có tác dụng đốt cháy mỡ thừa.

5. Rau cải xoong
Rau cải xoong chứa nhiều nước và khoáng chất, là một trong những thực phẩm tối ưu giúp cơ thể thải độc ra ngoài. Nó cũng có tác dụng hỗ trợ bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do và huy động các enzyme thanh lọc cơ thể. Rau cải xoong có thể được sử dụng trong các món salad.

6. Cải bắp
Cải bắp chứa isothiocyanates, giúp năng khả năng loại trừ tác nhân gây ung thư khỏi cơ thể. Cải bắp chứa cực ít calorie, giúp bạn kiểm soát vòng eo trong lúc thải độc cơ thể. Tuy nhiên, các thành phần hoạt chất của cải bắp bị phá hủy bởi nhiệt, vì thế bạn nên dùng cải bắp tươi trong món salad hoặc trong các món smoothie để thu hoạch chất giải độc trong cải bắp.

7. Dứa
Dứa không chỉ ngon mà còn chứa enzyme tiêu hóa có tên bromelain, có khả năng làm sạch ruột và hỗ trợ hoạt động của dạ dày. Bromelain đã được chứng minh khả năng giảm viêm tấy, và có tác dụng làm dịu cơn buồn nôn.

8. Cải xoăn
Xải xoăn (kale) là một siêu thực phẩm được các bác sĩ khuyến nghị cho bệnh nhân bị bệnh thận. Cải xoăn chứa nhiều chất xơ hỗ trợ làm sạch hệ tiêu hóa, và cũng chứa các chất glucosinolate hỗ trợ thải độc.

9. Măng tây
Măng tây có tác dụng kì diệu với gan, cơ quan tiền tiêu trong trận chiến chống chất độc. Măng tây giúp tăng khả năng trao đổi chất của gan, đảm bảo các chất cặn bã bị gan tóm lại và thải ra khỏi cơ thể.

Thursday, December 24, 2015

Cách làm chè bưởi đảm bảo không thất bại

Mẹ mình là một fan hâm mộ đặc biệt của món chè bưởi, nhưng cụ lại rất dị ứng với việc đi ăn hàng vì nỗi lo thực phẩm bẩn, làm bằng thuốc hóa học, đường hóa học… Chính vì thế, dù không phải là người mê ăn ngọt, lâu lâu mình lại phải trổ tài làm món chè bưởi để đãi mẹ và anh xã hảo ngọt (dù mình không cho anh xã ăn quá nhiều). Trộm vía mình cũng may mắn, nên chỉ sau hai lần không thành công (bưởi quá cứng, hoặc giòn nhưng bị nát), mình đã có cách làm chè bưởi đảm bảo ngon lành cành đào, ai cũng mê.
Mình rút ra một kinh nghiệm là không nhất thiết mỗi lần làm chè bưởi là một lần hì hục ngâm cùi bóp cùi, thay vào đó ta có thể làm một mẻ to cất vào tủ lạnh, mỗi lần muốn ăn chè bưởi thì lấy ra một ít dùng dần. Cũng bớt đi được rất nhiều phiền phức đấy.


Mình xin chia sẻ cách làm chè bưởi từ cùi bưởi làm sẵn để các bạn có dịp cho cả gia đình trố mắt vì món bưởi ngon hơn cả ngoài hàng nhé:

CÁCH XỬ LÝ CÙI BƯỞI
Quả bưởi gọt sạch phần vỏ xanh (chú ý không để bị sót phần vỏ xanh kẻo cùi sẽ bị đắng), khía cùi bưởi theo chiều dọc rồi bóc bưởi ra. Bạn có thể làm bao nhiêu quả bưởi cũng được, không ăn hết trong một bữa chè thì để dành cho lần sau. Mỗi lần làm mình thường làm luôn khoảng 5 quả bưởi to.
Lọc bỏ phần xơ bám ở mặt trong cùi bưởi, cắt cùi bưởi thành từng miếng 1x1cm.
Trộn cùi bưởi với muối, bóp nhẹ nhàng khoảng 5 phút rồi xả với nước lạnh, bóp nhẹ cho ráo nước. Bạn lưu ý là phải bóp nhẹ nhàng thôi, nếu mạnh tay quá thì sẽ ra thành phẩm là miếng cùi vừa khô vừa cứng quèo như cao su vậy.
Cắn thử một miếng cùi xem đã hết đắng chưa. Nếu chưa hết đắng thì tiếp tục bóp muối và xả nước đến khi nào thấy đạt tiêu chuẩn thì thôi. Thường thì mình chỉ cần làm 2 lượt là đã hết đắng rồi.
Phần cùi bưởi sau khi bóp và xả muối, bạn bóp cho ráo nước rồi trộn với một ít đường (tỉ lệ 1 muỗng canh đường/1 quả bưởi), để 15 phút cho ngấm. Đến đây bạn lấy ra số bưởi cần nấu chè rồi cất phần còn lại vào ngăn đá tủ lạnh để dùng dần.

CÁCH NẤU CHÈ BƯỞI
Nguyên liệu:
- 1 bát con cùi bưởi đã làm sẵn
- 1,5 bát con đậu xanh đã tách vỏ
- 1 túi bột năng
- đường tùy ý (mình hạn chế đồ ngọt nên cho khá ít đường)
- nước cốt dừa hoặc bột dừa béo
- tinh dầu vanilla hoặc dầu chuối
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm khoảng 2 tiếng, xát sạch rồi cho vào nồi cơm điện nấu chín nở.
- Trong lúc chờ đậu xanh, bạn cắc nồi lên bếp, cho cùi bưởi vào sên cho nóng đều và ngấm đường. Công đoạn này cùi bưởi sẽ ra một ít nước.
- Đổ cùi bưởi ra rổ, ngay khi cùi bưởi còn nóng, rắc đều bột năng lên mặt cùi bưởi và xóc đều. Mình thích ăn miếng bưởi có bọc nhiều bột năng nên rắc khá là mạnh tay. Đảo sơ qua cho các miếng bưởi tách nhau ra.
- Đun sôi 1,5 lít nước, trút cùi bưởi vào nồi, chờ đến khi cùi bưởi nổi lên và hơi trong trong thì vớt ra, thả vào chậu nước lạnh để sẵn. Một lát sau bạn sẽ thấy cùi bưởi được bọc một lớp màng bột năng trong suốt.
- Vẫn dùng nồi nước luộc cùi bưởi, bạn cho một nửa số đỗ xanh đã nấu chín và một ít đường vào khuấy đều, nếu thấy nước chưa đủ sánh, bạn có thể pha thêm một ít bột năng vào bát rồi từ từ cho vào nồi khuấy cho đến khi vừa ý. Nêm thử xem đã đủ ngọt hay chưa rồi cho nốt số đỗ còn lại, một ít nước cốt dừa và vanilla vào. Vớt cùi bưởi khỏi nước lạnh, thả vào nồi chè khuấy thêm một lượt.
- Khi ăn múc chè ra bát, thêm nước cốt dừa lên trên. Món chè này ăn nóng hay lạnh đều ngon.
Ghi chú: Mình ít khi ăn chè bưởi nóng, nên khi đun chè xong mình không cho cùi bưởi vào ngay mà chờ chè nguội mới cho cùi bưởi vào, như thế cùi bưởi sẽ giòn hơn là cho vào ngay khi chè còn nóng.

Chúc các bạn thành công!!!

Wednesday, December 23, 2015

Gà sốt cam


Mình có thói quen mỗi khi ăn món gì là lại ngồi "phân tích" thử xem nó được chế biến từ những nguyên liệu gì, quy trình ra làm sao để về nhà làm thử. Cũng may, sự phân tích của mình hiếm khi đi đến thảm họa, hehe.

Món gà sốt cam này mình ăn thử ở cửa hàng đồ ăn nhanh có tên Panda Express ở New York. Nó làm thay đổi suy nghĩ của mình là đồ ăn nhanh = đồ ăn dở (hơi bị thiên kiến một tí, nhưng mà mình vẫn thích nấu ở nhà hơn). Mình đã ghi nhớ ngay hương vị của nó, tiện thể về nhà tìm hiểu cách làm trên google, và kết quả là không cần phải sang Mỹ vẫn có món gà sốt cam của Panda Express để ăn :)

NGUYÊN LIỆU
- 250g lườn gà đã tách xương và da (sau này mình đã làm thử với đủ loại thịt gà, có xương lẫn không xương, đều ngon cả).
- 1 muỗng canh dầu ăn hoặc bơ
- 50ml nước ép cam
- Vỏ của nửa quả cam mài vụn. Ở đây mình dùng cam vàng. Nếu là cam sành hoặc cam vỏ xanh thì vỏ sẽ đắng hơn, bạn chỉ dùng một ít thôi.
- 2 thìa cà phê dầu hào, 1 thìa bột canh
- 2 thìa cà phê mật ong
- 1 nhánh gừng nhỏ, mài vụn
- Bột ớt (có thể bỏ nếu bạn không thích ăn cay)

CÁCH THỰC HIỆN
Cắt thịt gà thành từng miếng vuông vừa ăn. Mình thích cắt lúc thịt còn chưa rã đông hoàn toàn, vì như thế dễ hơn là miếng thịt mềm.

Đun nóng dầu ăn trong chảo, cho thịt gà vào rán cho đến khi vàng đều. Có thể cho thịt gà chưa rã đông hoàn toàn vào, không vấn đề gì cả. Nếu chảo nhỏ, chỉ cho một nửa số thịt gà vào thôi để chảo có đủ độ nóng, gà không bị ra nước.

Trong lúc rán gà, bạn trộn hỗn hợp nước cam, vỏ cam, dầu hào, muối, mật ong, gừng, ớt vào bát con.

Khi gà đã vàng đều thì vớt ra, để vào một cái đĩa lót giấy hút dầu. Nếu không dùng giấy hút dầu thì bạn để lên một cái rây lọc để bớt dầu mỡ bám. Đổ hết dầu ăn trong chảo đi, chỉ giữ lại một lớp dính trên chảo.

Làm nóng chảo, đổ hỗn hợp nước sốt vào đun cho đến khi sền sệt, nhớ cậy hết phần thịt gà dính vào chảo lên (đây là những miếng giòn giòn mà mình đặc biệt thích).

Trút thịt gà vào đảo đều cho ngấm.

Thưởng thức cùng cơm chiên, hoặc ăn như một món mặn thông thường.

Chúc các bạn ngon miệng!

Tuesday, December 22, 2015

Nước uống detox

Dạo gần đây thiên hạ cứ sốt xình xịch lên vì món nước thải độc (detox), thậm chí chị bạn cùng cơ quan mình còn mua gói dịch vụ nước detox cả triệu đồng. Tưởng thế nào, hóa ra cũng chỉ là nước lọc có ngâm một số loại hoa quả và thảo mộc như cam, chanh, dưa leo, bạc hà… Nhưng phải công nhận là nước detox dễ uống hơn nước lọc, có thêm một chút hương vị làm cho chỉ tiêu 1,5 lít nước mỗi ngày dễ thực hiện hẳn.


Mình tự thấy không có lí do gì để bỏ ra một khoản tiền to như vậy cho mấy bình nước, và việc làm mấy loại nước này cũng chẳng có gì khó khăn cả. Tại sao lại không tự làm cho mình một bình nước detox để sử dụng thay cho nước lọc hàng ngày nhỉ? Sau khi nghiên cứu một số bài viết phổ biến về nước detox, mình thấy có một công thức đơn giản, dễ làm và nhiều công dụng hơn cả - nước chanh, dưa chuột và bạc hà. Nguyên nhân chính là nhờ các nguyên liệu vừa dễ tìm, vừa có tác dụng hiển nhiên mà gần như ai cũng công nhận.

- Chanh: Chanh chứa nhiều vitamin C giúp giải độc, làm sạch và tái khởi động toàn bộ cơ thể. Uống nước chanh khi bụng rỗng giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa và tăng cường miễn dịch. Do đó sự hiện diện của chanh trong nước uống của bạn là cách tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh.
- Dưa chuột: Dưa chuột chứa đến 90% nước, ngoài ra nó chứa một số khoáng chất và dinh dưỡng quý giá như vitamin A, B1, B6, C & D, Folate, Canxi, Magiê và Kali, giúp giảm cholesterol xấu, điều hòa huyết áp, giảm mùi hôi trong hơi thở, giảm đau nhức khớp và thậm chí là ngăn ngừa ung thư.
- Bạc hà: Vừa có tác dụng tạo hương vị cho món đồ uống, vừa hỗ trợ tiêu hóa, giúp thư giãn cơ dạ dày. Là một loại thảo dược có nhiều chất chống oxy hóa, bạc hà giúp chống lại các bệnh dị ứng, hội chứng viêm đại tràng co thắt, các vấn đề về da và cảm lạnh thông thường.

Công thức nước detox chanh, dưa chuột và bạc hà:
- 1,5 lít nước lọc;
- 1 quả dưa chuột sạch cỡ vừa;
- 2-3 quả chanh sạch;
- 12 lá bạc hà sạch.
Bạn hãy đảm bảo rằng các nguyên liệu bạn có đều phải thật sạch (tất nhiên chẳng ai muốn uống một thứ dung dịch chứa đầy thuốc sâu vào để thải độc cả, có khi lại lợi bất cập hại ấy chứ). Nếu không dám chắc, hãy ngâm các nguyên liệu này vào nước muối hoặc dung dịch rửa rau củ phù hợp.
Rửa kỹ dưa chuột và chanh, cắt dưa chuột và chanh thành lát mỏng, thả vào bình chứa cùng với lá bạc hà. Đổ nước lọc, đậy lại và cất trong tủ lạnh ít nhất 4 tiếng, hoặc để qua đêm.

Các công dụng của món nước detox này gồm:
- Hỗ trợ giảm cân: Chanh giúp giảm cảm giác đói và ngăn người dùng ăn quá nhiều. Dưa chuột giúp tăng quá trình chuyển hóa năng lượng và giảm táo bón. Bạc hà giúp kiểm soát và giảm lượng đường.
- Làm đẹp da: Vitamin C có tác dụng loại trừ những vết mụn trên da. Món nước detox này giúp da mịn và đàn hồi chủ yếu là nhờ khả năng cấp nước cho da của dưa chuột. Nó cũng có tác dụng làm mờ quầng thâm và giảm bọng mắt.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Nếu uống nước này bạn sẽ tạm biệt các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, ợ nóng, ợ chua và khó tiêu. Dưa chuột và chanh đều là những thực phẩm lợi tiểu, vì thế bạn sẽ không bị chướng bụng.

Monday, December 21, 2015

Công thức nước dứa hiệu quả hơn siro trị ho

Mình là một người hâm mộ đích thực của quả dứa. Mỗi khi đến mùa, ngày nào mình cũng mua một hai quả về ăn. Trong thời gian học ở Bỉ, mình ít khi ăn dứa hơn vì quả dứa bên đó to và không ngọt được như quả dứa mật nhỏ xíu, thơm phức của nhà mình. Nhưng qua nói chuyện với các bạn học, mình tình cờ được biết các bà, các mẹ "ở bển" cũng hay dùng các loại thực phẩm để làm thuốc như bên nhà mình. Quả dứa, món ăn nhiệt đới, được đặc biệt ưu ái đặt biệt danh là "vua của các loại quả", không chỉ bởi chiếc vương miện bằng lá trên đầu, mà còn bởi hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng của nó. Quả dứa chứa nhiều emzyme, khoáng chất, vi chất và vitamin. Ngoài ra, dứa chứa một lượng đáng kể can-xi, ka-li, ma-giê, phốt-pho, sắt, i-ốt, kẽm và vitamin A, E, C và vitamin nhóm B.
Hình: Internet

Với mình, mọi bộ phận của quả dứa đều dùng được. Thịt quả để ăn, lá dùng để pha trà. Đến cả vỏ dứa tưởng chừng bỏ đi cũng có tác dụng quan trọng cho mục đích điều trị nhờ chứa gấp đôi hàm lượng bromelain (một loại enzyme có tác dụng phân hủy protein, thành phần thức ăn khó tiêu hóa dẫn tới táo bón). Mình còn lấy cả vỏ dứa để làm món bia dứa (pineapple beer, mặc dù không phải là bia đúng nghĩa, mình sẽ chia sẻ công thức vào dịp khác). 

Vào những ngày đông lạnh giá như thế này, một cốc nước ép dứa sẽ giúp cơ thể chống lại những cơn ho, và hơn thế nữa, nó còn đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Uống nước dứa sẽ hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch đường ruột.

Nếu bạn bị ho mà không phải do các chứng bện nặng như viêm phổi thì thay bằng việc sử dụng các loại thuốc ho bán sẵn, hãy uống nước ép dứa. Món uống này có tác dụng tốt và giúp bạn hồi phục nhanh hơn bằng cách làm dịu chỗ cổ họng bị đau và làm long đờm. Các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng mật ong nguyên chất pha với với dứa (và một số nguyên liệu khác) giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân nghẹt mũi, ho, hắt hơi và nhiễm trùng phổi và khí quản.

Nước dứa vừa ép được chứng minh có công hiệu gấp 5 lần thuốc ho thông thường. Một trong những công thức mà mình được một bà cụ người Bỉ chia sẻ là món nước dứa trị ho theo phương pháp dưới đây:

NGUYÊN LIỆU:
- 250ml nước dứa ép (nếu không có nước ép tươi, bạn có thể sử dụng
nước dứa nguyên chất đóng hộp)
- 50ml nước cốt chanh
- 1 củ gừng (hoặc 2 nhánh gừng, mỗi nhánh dài khoảng 10cm), mài nhuyễn
- 1 muỗng canh mật ong
- nửa thìa con ớt tươi băm nhỏ, hoặc bột ớt

CÁCH LÀM
Trộn lẫn tất cả các loại nguyên liệu. Mỗi ngày uống 2 đến 3 lần, mỗi lần ¼ cốc. Lặp lại nhiều lần cho tới khi các triệu chứng ho thuyên giảm. Món nước ép dứa này vừa giúp bạn trị ho, lại cung cấp một lượng lớn dinh dưỡng và năng lượng để giúp bạn phục hồi sức khỏe.
Lưu ý: trẻ em trên 1 tuổi mới có hệ tiêu hóa và miễn dịch phát triển đầy đủ để uống mật ong tươi, do đó bạn hãy thận trọng trước khi cho trẻ uống món nước ép dứa này nhé.

Chúc các bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!

Sunday, December 20, 2015

Gà nướng sa tế chanh

Ngày xưa mình không ăn được món cay, cứ ăn phải đồ cay là thấy lưỡi bỏng rát, nước mắt nước mũi chan hòa. Từ hồi yêu anh xã, không hiểu sao dần dần bị đồng hóa, mình tập được ăn cay. Cũng chẳng biết từ bao giờ mình bắt đầu thích làm các món có tí vị cay. Nếu là ngày xưa thì chắc là mình sẽ chỉ nhìn mấy món cay mà ngậm ngùi tiếc nuối, thì bây giờ lúc mình làm anh xã còn phải bảo là "Cẩn thận em cho cay quá lại chỉ có mỗi mình anh ăn thôi đấy!" Nhưng bây giờ thì hai vợ chồng có thể cùng nhau xì xụp một bát canh cho nhiều sa tế hay ớt tươi mà không phải chia làm hai bát nữa rồi :D

Món gà nướng sa tế và chanh này là do mình nghĩ ra nhân một ngày cuối tuần hai vợ chồng hẹn hò nhau đi chơi từ sáng, định bụng làm món gì đó đơn giản để tối về có đồ ăn ngay, mở tủ lạnh chỉ có hai miếng lườn gà và mấy quả chanh. Mất 10 phút để rã đông thịt gà, ướp gia vị, bỏ lại vào ngăn lạnh, thế là đến chiều chỉ việc bỏ ra áp chảo (mình không có lò nướng, chắc sẽ phải đầu tư một cái mới được). Thành phẩm là món thịt gà vàng ươm, thơm phức mùi chanh, vị chua ngọt cay pha lẫn vị ngăm ngăm đắng của vỏ chanh ăn khá ngon. Có lẽ khi nào lười biếng mình sẽ làm món này tiếp :)

NGUYÊN LIỆU
- 2 miếng (400gr) lườn gà tách xương (nếu thích bạn có thể thay bằng đùi tỏi gà, cánh gà - đã tách hoặc chưa tách xương đều được);
- 1 quả chanh
- Sa tế, mật ong, bột canh, dầu ăn, tiêu, ớt tươi (nếu bạn ăn được cay).

CÁCH LÀM
- Quả chanh rửa thật sạch, mài sơ sơ phần vỏ để lấy khoảng 1/4 thìa vỏ xanh của chanh. Vắt lấy khoảng 1,5-2 thìa con nước cốt chanh.
- Trộn đều nước cốt chanh, vỏ chanh, 3 thìa sa tế, 4 thìa mật ong, 3 thìa dầu ăn (nếu thịt gà có dính một ít da và mỡ thì bớt dầu ăn đi), 1.5 thìa bột canh, một ít hạt tiêu, ớt tươi băm nhỏ trong một cái âu có nắp (đơn vị thìa của mình là thìa cà phê nha). Cho thịt gà vào đảo đều rồi đậy lại, bỏ vào tủ lạnh cho ngấm (khoảng 2-3 tiếng, nếu có thời gian thì bạn để cả ngày như mình, từ sáng tới tối hoặc qua đêm cũng không sao).
- Làm nóng chảo trên lửa vừa, cho thịt gà vào áp chảo sao cho hai mặt chín vàng, hơi sém sém. Lưu ý thịt để trong tủ lạnh nên cần có thời gian để thịt chín kỹ phía bên trong nhé. Đây là lí do mình khuyên dùng các bộ phận đã tách xương, vừa ngấm gia vị, vừa mau chín hơn. 
Bạn nào có lò nướng thì chỉ cần làm nóng lò, cho thịt gà vào nướng khoảng 25-30 phút là có thành phẩm rồi.
- Lấy ra đĩa và thưởng thức. Món này rất là thơm đó :)

Chúc các bạn ngon miệng!

Saturday, December 19, 2015

Anijsmelk - Sữa hoa hồi

Anijsmelk (sữa hoa hồi) là một món đồ uống truyền thống của người Hà Lan. Món này có tác dụng là giúp an thần, dễ ngủ. Người Hà Lan đặc biệt thích dùng món này trong những ngày cuối mùa thu hoặc trong mùa đông lạnh giá.

Nguyên liệu:
- 2 hoa hồi (lẽ ra phải gọi là quả hồi mới đúng chứ nhỉ)
hoặc 1 thìa con bột hồi
- 250 ml sữa
Anijsmelk (aniseed milk)
Hình ảnh: Internet
Cách làm:
Đun nóng sữa trong nồi hoặc trong lò vi sóng. Pha bột hồi vào sữa, hoặc cho hoa hồi vào trong một cái túi lọc trà rồi thả vào sữa cho ngấm.
Món sữa hoa hồi này không ngọt, nên nếu cần bạn có thể thêm đường, mật ong hay chất tạo ngọt tùy ý.
Món này có mùi hương khá lạ, nếu ai chưa quen hoặc không thích mùi hoa hồi thì có thể sẽ thấy khó uống, nhưng uống nhiều lại thích đấy :)

Friday, December 18, 2015

Hơn 10 cách làm sữa gạo - horchata (không chứa sữa động vật)


Mình đã giới thiệu công thức món sữa gạo – horchata cơ bản được quảng bá là món đồ uống cực kỳ phổ biến tại Mexico và một số nước Nam Mỹ. Do làm xong mình và gia đình mê món này quá, nên mình đã mày mò thử nghiệm rất nhiều công thức mới. Hầu hết các công thức này đều thành công rực rỡ và nhận được vô số lời khen ngợi của mọi người, đến nỗi mình phổng hết cả mũi. Thực tế, mình cũng đọc được rất nhiều bài viết về việc horchata có thể được biến tấu và sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau, không có sự hạn chế nào đối với món đồ uống này cả. Có lẽ chính sự phong phú và dễ làm này đã khiến cho nó được phổ biến rộng rãi như vậy.

Mình xin giới thiệu thêm một số cách làm horchata mà mình đã thử nghiệm và thành công. Các bạn có thể tham khảo để biến tấu cho phù hợp với sở thích và độ sẵn có của các loại gia vị trong gia đình mình nhé.

CÁCH 1: Horchata cơ bản

Horchata cơ bản không thêm gia vị, thêm đường, quế, vanilla… để tạo thêm hương vị hoặc có thể dùng làm nền cho các món smoothie hoặc uống lúc mệt mỏi ghét gia vị.

- 200g gạo tẻ trắng
- 1 lít nước nóng

Vo gạo cho sạch, thêm 1 lít nước nóng và ngâm khoảng 1-2 tiếng.
Xay gạo và nước sơ qua, cho vào nồi đun sôi rồi vặn lửa nhỏ đun tiếp 20 phút.
Lọc hỗn hợp qua túi lọc hoặc 3 lớp khăn xô. Nếu thấy đặc quá có thể thêm 200ml nước. Dùng thìa ấn, hoặc túm đầu khăn để vắt cho kiệt.

CÁCH 2: Horchata "nguội"

Cách làm này không cần dùng nước nóng, hương vị khi ra sẽ thanh mát hơn công thức sử dụng nước nóng để ngâm. Tuy nhiên cách làm này tốn thời gian hơn vì phải ngâm lâu gạo mới ra đủ hương vị.

- 200g gạo tẻ trắng khô, vo sạch, để ráo
- 1 lít nước
- vỏ xanh của nửa quả chanh (gọt mỏng, không lấy phần cùi trắng)
- 1 thìa bột quế
- 20g đường thô/mật ong/chất tạo ngọt tùy ý (nhiều hơn hoặc ít hơn tùy khẩu vị)
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên (có thể bỏ qua)

Cho gạo vào nước, thêm vỏ chanh, bột quế, ngâm ở nhiệt độ phòng ít nhất 4 tiếng hoặc trong tủ lạnh qua đêm (bạn có thể ngâm luôn vào cối xay – bớt được 1 cái hộp cần phải rửa).
Xay hỗn hợp gạo và nước ở mức cao nhất cho đến khi thấy hạt gạo mịn, không còn cảm giác sạn.
Lọc để tách phần sữa và phần bã. Thêm đường và vanilla, khuấy đều cho tan hết.
Cất trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 48 giờ.

CÁCH 3: Horchata từ cơm nguội

Với cách làm này bạn có thể tận dụng cơm nguội của nhà còn thừa. Tuy nhiên cơm nóng vẫn cho ra sản phẩm ngon nhất.

- 1 bát cơm (gạo trắng hoặc gạo lứt đều được)
- 1 lít nước
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên
- chất tạo ngọt tùy khẩu vị

Cho các nguyên liệu vào máy xay cho mịn. Để yên nguyên liệu trong cối xay khoảng 30 phút cho lắng, rồi nhẹ nhàng rót sang bình chứa khác sao cho phần cặn không bị chuyển sang.

CÁCH 4: Horchata gạo lứt

Cách làm này sử dụng gạo lứt để tăng dinh dưỡng. Gạo lứt có mùi bùi thơm hơn gạo trắng.

- 200g gạo lứt
- 1 lít nước
- 2 thìa cà phê bột quế
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên nếu thích
Nấu gạo trong nước sôi khoảng 20 phút. Để nguội cho ngấm khoảng 1 tiếng. Xay gạo với nước và lọc Horchata, bỏ bã.
Thêm mật ong nếu thích uống ngọt.

CÁCH 5: Horchata gạo và hạnh nhân

Món horchata gạo và hạnh nhân là món đồ uống rất phổ biến ở Mexico. Nếu có điều kiện thăm đất nước Nam Mỹ này, nhất định mình sẽ thử xem hương vị horchata gạo trắng hạt dài của các bạn ấy có gì khác biệt so với hương vị của horchata gạo bình thường của mình vẫn làm hay không.

- 200g gạo tẻ (có thể dùng gạo trắng thông thường, hoặc dùng gạo lứt – mùi vị gạo lứt hơi khác một chút)
- 50g hạt hạnh nhân đã bỏ vỏ lụa
- 1 lít nước
- 2 thìa cà phê bột quế
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên
- mật ong hoặc chất tạo ngọt tùy ý

Nấu gạo trong nước sôi khoảng 20 phút. Để nguội cho ngấm khoảng 1 tiếng. Xay gạo với nước và lọc Horchata, bỏ bã.
Thêm mật ong nếu thích uống ngọt. Có thể cất trong tủ lạnh dùng dần, trước khi dùng phải khuấy đều cho các thành phần hòa lẫn với nhau.

CÁCH 6: Horchata gạo và hạt điều

Ngoài việc sử dụng hạt hạnh nhân, bạn có thể dùng hạt điều để tạo hương vị khác biệt cho món Horchata. Hạt điều tham gia vào món Horchata này sẽ tạo khẩu cảm sánh, mịn, mùi thơm đặc trưng.

- 200g cơm nóng
- 750ml nước nóng
- 50g hạt điều
- 5ml tinh chất vanilla tự nhiên
- 20-30ml mật ong (tùy khẩu vị)
- một xíu muối

Xay đều gạo, hạt điều và nước, lọc bỏ bã.
Thêm mật ong, vanilla và muối.
Cất vào tủ lạnh dùng trong 48 giờ.

CÁCH 7: Horchata gạo lứt và lạc
Thêm lạc rang vào món Horchata này sẽ cho mùi thơm bùi rất đặc trưng.

- 200g gạo lứt
- 50g lạc rang
- 1 lít nước
- 1 thìa con bột quế
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên
- mật ong/đường thô/agave… hoặc chất tạo ngọt tùy khẩu vị

Gạo lứt nấu với nhiều nước, để nguội bớt.
Cho vào cối xay mịn. Lọc qua 3 lớp vải xô, chú ý vắt kiệt nước.
Khi nấu cơm có thể cho một xíu muối để món Horchata có hương vị đậm đà hơn.

CÁCH 8: Horchata gạo và vừng

Chỉ cần thêm một chút vừng rang, bạn đã có một cốc horchata thơm phức không thể kìm lòng được. Mình đã uống hết một nửa số horchata ngay sau khi làm xong.

- 200g gạo tẻ hạt dài (có thể dùng gạo lứt cũng được)
- 50g vừng rang thơm
- 2 thìa nhỏ bột quế
- 1 thìa tinh dầu vanilla tự nhiên (có thể bỏ qua)
- mật ong/chất tạo ngọt tùy ý

Gạo tẻ cho vào khoảng 400ml nước, thêm bột quế, xay vỡ hạt gạo và ngâm luôn trong cối xay ít nhất 6 tiếng (hoặc qua đêm).
Cho thêm vừng rang vào cối xay đã chứa sẵn gạo và nước, xay cho thật mịn. Hạt vừng nhỏ và khá cứng nên bạn có thể xay lâu hơn các loại hạt khác. Khi nào thấy hỗn hợp mịn là được.
Lọc bỏ cặn, thêm vanilla và chất tạo ngọt, khuấy đều. Dùng luôn hoặc cất vào tủ lạnh. Trước khi dùng nhớ khuấy lên cho đều.

CÁCH 9: Horchata màu hồng

Cách này có thêm thanh long đỏ, làm cho món horchata có màu hồng rất bắt mắt và một ít vị chua ngọt dịu của thanh long. Tuy nhiên, món sữa này phải dùng trong 24 giờ sau khi làm.

- 200g gạo tẻ
- 50g hạt hạnh nhân bóc vỏ lụa
- 1 thanh quế
- một miếng vỏ xanh của quả chanh
- nửa quả thanh long ruột đỏ

Xay sơ cho vỡ hạt gạo, ngâm vào 500ml nước nóng cùng với hạnh nhân, quế và vỏ chanh. Đậy kín, ngâm ít nhất 6 tiếng hoặc để qua đêm.
Cho hỗn hợp gạo, nước, vào máy xay đến khi mịn (không còn cảm giác gợn của hạt gạo). Thêm 500ml nước, nửa quả thanh long ruột đỏ cắt nhỏ và xay thêm khoảng 10 giây.
Lọc qua 3 lớp vải xô, vắt kiệt nước. Bỏ bã.
Thêm khoảng 500ml nước lạnh vào horchata, đường hoặc chất tạo ngọt tùy ý thích. Nếu vẫn thấy đặc thì bạn có thể thêm nước.
Giữ lạnh và uống cùng với đá. Khuấy đều trước khi sử dụng.

CÁCH 10: Horchata vị cacao

Cách này sẽ làm thành món horchata với mùi thơm của cacao và quế, có thể được uống lạnh hoặc đun hơi ấm lên đều ngon.

- 200g gạo tẻ
- 1 thanh quế
- 1 lít nước
- 30g bột cacao
- mật ong hoặc chất tạo ngọt tùy ý

Gạo tẻ xay vỡ, ngâm cùng quế và nước sạch khoảng 8 tiếng hoặc để qua đêm.
Xay mịn hỗn hợp gạo, quế, nước (thêm nước nếu thấy quá đặc), lọc bỏ phần cặn. Trút lại phần nước vào cối đã rửa sạch. Thêm bột cacao, mật ong hoặc chất tạo ngọt, xay tiếp khoảng 30 giây cho các thành phần tan hết.
Uống lạnh hay uống nóng đều ngon.

CÁCH 11: Sữa gạo và đậu xanh

Cách này có lẽ đã đi quá xa so với món horchata ban đầu, vì thế mình không dám gọi nó là horchata nữa, đành gọi là sữa gạo đậu xanh, hehe. Món này có mùi thơm mát của đậu xanh, vị hơi bùi bùi nữa. Ngoài đậu xanh, bạn có thể xem xét cho đậu đỏ hoặc đậu đen vào đều được.

- 150g gạo tẻ
- 100g đậu xanh đã tách vỏ
- 1 lít nước
- 1 thìa bột quế
- 1 thìa tinh chất vanilla tự nhiên

Gạo và đậu xanh nấu chung cho chín mềm. Để nguội, cho vào cối xay cùng với 300ml nước, bột quế, tinh dầu vanilla, xay nhuyễn. Thêm số nước còn lại vào, xay tiếp khoảng 10 giây cho trộn đều nước và hỗn hợp đã xay.
Lọc hết phần cặn. Nếu thích uống ngọt thì có thể thêm mật ong hoặc đường thô tùy khẩu vị.

Friday, December 11, 2015

Smoothie toàn xanh

Thực ra món smoothie này cực kì đơn giản. Bạn chỉ cần mở tủ, lấy ra tất cả những món rau củ quả có màu xanh, bỏ chúng vào máy và xay. Nếu muốn tuân theo công thức cho lần đi siêu thị tới, bạn hãy chọn những thứ rau củ theo hướng dẫn dưới đây:

Nguồn: Internet

NGUYÊN LIỆU
- 1/4 quả dưa chuột
- 1/2 nắm cải bó xôi hoặc rau ăn sống lá xanh
- 1/2 quả bơ
- 1 cọng cần tây
- 2 cọng bạc hà
- 1 quả kiwi
- 1/2 quả táo
- 200ml nước
- một ít nước cốt chanh
Khi chọn thực phẩm, hãy chọn các sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo an toàn. Dưa chuột sạch có thể dùng luôn cả vỏ.

THỰC HIỆN
Rửa sạch các nguyên liệu. Cắt các thành phần thành miếng vừa, bỏ vào máy xay cho tới khi đạt độ mịn mong muốn. Dùng ngay.

Tuesday, December 8, 2015

Dưa bắp cải

Hôm vừa rồi mình được cho hai cây bắp cải to và mấy kí cà rốt của người quen tự trồng được theo phương pháp hữu cơ. Chẳng mấy khi có được rau sạch, mình hết dùng làm smoothie đến salad để tận dụng hết dinh dưỡng của nó (hehe). Và mình chợt nhớ ra lâu lắm rồi mình không ăn dưa muối chỉ vì sợ nguyên liệu không được sạch. Và thế là một chiếc bắp cải đã được lôi ra để làm dưa bắp cải muối. Mình làm rất đơn giản, không thêm hành tỏi, rau cần hay rau răm, nhưng nếu ai thích thì vẫn có thể thêm cho đậm đà hương vị.


NGUYÊN LIỆU
- 1 cây bắp cải
- 3 củ cà rốt
- rau răm hoặc rau cần. Mình không ăn rau răm và sợ rau cần bẩn nên bỏ qua phần này.
- muối, đường, giấm, nước sạch

THỰC HIỆN
- Bắp cải rửa sạch, bỏ lá già, cắt nhỏ. Mình không chần bắp cải qua nước sôi vì tiếc vitamin, nếu bạn không dám chắc bắp cải mình mua sạch thì hãy chần qua nước sôi cho yên tâm. Để ráo.
- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào mỏng, để ráo.
- Pha đường, muối vào nước sạch theo tỉ lệ 3 thìa đường 2 thìa muối 1 muỗng canh giấm cho mỗi lít nước. Bạn có thể đun sôi hỗn hợp để đảm bảo tiệt trùng. Sau khi đun sôi phải để nước thật nguội về nhiệt độ phòng.
- Trộn đều bắp cải và cà rốt, xếp vào hũ thủy tinh to. Đổ nước cho ngập mặt rau. Dùng một túi nilon đựng nước hoặc một cái đĩa nhỏ đặt lên trên mặt rau sao cho rau chìm trong nước ngâm.
- Để ở nhiệt độ phòng 2 ngày là được ăn. Nếu bạn muốn bảo quản lâu hơn, cất dưa cải vào tủ lạnh, bạn sẽ ăn được cả tuần.
- Lần tiếp theo làm dưa, hãy giữ lại 1 bát con nước để làm "mồi", dưa sẽ nhanh chín hơn.

Món dưa bắp cải muối đặc biệt hợp với các món chiên, rán, và thậm chí cả món luộc.

Chúc các bạn ngon miệng!

Friday, December 4, 2015

Chữa chứng ngủ ngáy cùng món trà quế gừng

Bố mình có tật ngáy siêu to. Bố ngủ ở tầng 2, mình ngủ ở tầng 3 mà nhiều hôm nửa đêm mình dậy vẫn nghe thấy tiếng bố ngáy khò khò dưới nhà. Mẹ mình nhiều hôm phải ôm gối lên ngủ với mình vì bố ngáy to quá không ngủ nổi. Mất một thời gian dài mình mới biết nguyên nhân cụ ngáy là do thừa cân, do hôm đó có uống rượu, do nằm sai tư thế, do nghẹt mũi... và từ đó mình có cách trị bệnh ngáy cho cụ. Và một chương trình tập huấn cho bố mình được đề ra, gồm có:
- Vận động để giảm cân (nhưng phải vận động vào buổi sáng, tránh hoạt động mạnh vào buổi tối);
- Tránh xa cà phê, rượu, thuốc lá, thuốc ngủ;
- Nằm ngủ nghiêng sang bên phải;
- Tắm nước ấm;
- Uống trà chống ngáy.
Thực sự ban đầu mình không dám tin là sẽ thành công trong công cuộc trị ngáy cho bố (bởi vì bố mình rất lười vận động). Nhưng sau một thời gian thực hiện, mình thấy chứng ngủ ngáy của bố đỡ hẳn. Ít ra mình nằm tầng trên cũng không nghe thấy tiếng bố ngáy ở tầng dưới nữa. Bây giờ khi ngủ bố chỉ ngáy khe khẽ thôi - thực sự với gia đình mình (đặc biệt là mẹ) thì đó là một sự tiến bộ rất lớn rồi.
Mình cũng muốn chia sẻ công thức món trà chống ngáy mà mình học được từ sách báo, và thấy rất có tác dụng. Nếu bạn hoặc người thân bị ngủ ngáy, hãy thử thực hiện các biện pháp vận động và uống trà xem có hiệu quả không nhé. Nếu bị ngáy nặng quá thì tốt nhất hãy đi khám để có cách trị liệu hiệu quả hơn.

NGUYÊN LIỆU
- 1 thanh quế
- 1 miếng gừng (khoảng 2cm)
- 300 ml nước
- Mật ong tùy ý

THỰC HIỆN
Đun sôi nước với quế khoảng 15 phút. Tắt bếp, thêm gừng. Hạ nhiệt độ xuống còn hơi âm ấm rồi cho mật ong vào cho vừa đủ ngọt.
Uống trước khi đi ngủ.

Uống trà quế gừng này khi còn ấm sẽ làm cho cơ thể ấm sực lên (thật đấy), dù ban đầu chưa quen uống thấy hơi khó chịu vì cảm giác cay nóng của gừng và quế. Nhưng bạn sẽ thấy hiệu quả khi buổi đêm không bị ngáy và buổi sáng dậy không khô cổ vì cả đêm phải thở bằng đường miệng.

Thursday, December 3, 2015

Smoothie cải xoăn thải độc

Các bạn chắc cũng đã nghe nhiều đến các công dụng của món cải xoăn với sức khỏe. Mình xin giới thiệu món smoothie cải xoăn để đưa vào danh sách thải độc cơ thể khi cần nhé. Lưu ý là cải xoăn khá đắng, nên với những ai chưa quen uống sinh tố không thêm ngọt thì hãy cân nhắc.


NGUYÊN LIỆU
- 1 nắm cải xoăn (kale)
- 1/2 quả táo
- 250ml nước dừa/sữa dừa

THỰC HIỆN
Cắt các nguyên liệu thành miếng nhỏ vừa và cho vào máy xay mịn. Nếu bạn dùng cải xoăn có lá dày và rất xoăn (cái tên cải xoăn của nó cũng từ đây mà ra) thì nên lựa cắt bớt phần gân lá vì đa số các loại máy xay cho rằng phần này rất "khó nhằn". Nếu được, hãy dùng cải xoăn non vì bạn không phải tách lọc mất thời gian.

Wednesday, December 2, 2015

Smoothie đu đủ chuối hạnh nhân


Món smoothie này ra đời chủ yếu là do mình "tiếc của" sau khi làm sữa hạnh nhân. Bằng cách cho phần bã sau khi lọc của món sữa hạnh nhân vào smoothie, mình tận dụng được tất cả những chất dinh dưỡng còn sót lại trong bã hạnh nhân, đồng thời có được món smoothie rất sánh (và thơm nữa).

NGUYÊN LIỆU (cho 500ml)
- 200g đu đủ gọt vỏ, cắt miếng
- 1 quả chuối chín, bóc vỏ, cắt miếng
- 2 muỗng canh bã hạnh nhân
- 2 quả chà là đã tách hạt
- 250ml nước hoặc sữa hạt (mình dùng luôn sữa hạnh nhân vừa làm)
- 3 cục đá (nếu bạn sử dụng hoa quả đông lạnh hoặc sữa/nước lạnh thì bỏ qua)

THỰC HIỆN
Xếp tất cả nguyên liệu vào cối xay sao cho khi xay những thành phần nặng nhất và cứng nhất bị xay đầu tiên. Xay cho đến khi đạt độ mịn mong muốn. Thưởng thức ngay.

Tuesday, December 1, 2015

Bí quyết để có món salad vừa ngon vừa bổ

Nếu theo dõi blog của mình, chắc các bạn sẽ thấy mình rất "hâm mộ" các món salad. Ngoài việc giữ được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng dễ phân hủy trong quá trình nấu nướng, salad có ưu thế hơn hẳn về tốc độ thực hiện. Chỉ cần mất 10-15 phút là bạn đã có một đĩa salad ngon lành. Tất nhiên, muốn yên tâm ăn salad, bạn phải lựa chọn được nguồn thực phẩm an toàn và chịu khó rửa rau thật sạch.



Dù không phải là một người thích ăn rau sống, bạn cũng nên tự trang bị cho mình cách để làm được một món salad ngon lành để lâu lâu đổi món, hoặc ăn kèm với các món thịt nướng, quay… để chống ngấy hiệu quả.

Dưới đây là nguyên tắc để có được một món salad ngon và tốt cho sức khỏe, mời các bạn tham khảo. Đừng cảm thấy choáng vì độ phức tạp của danh sách dưới đây, những yếu tố cần thiết chỉ là rau và nước sốt thôi :D

1. Chọn loại rau làm "nền"
Nhắc đến salad tất nhiên người ta nghĩ ngay tới nguyên liệu chủ đạo là rau. Món salad có thể chỉ cần một loại rau, nhưng cũng có thể là hỗn hợp nhiều loại khác nhau. Bạn có thể chọn một số loại rau như:
Cải bó xôi non
Rau xà lách xoăn
Xà lách romain
Bắp cải trắng
Bắp cải tím
Rau cải xoăn
Cải thìa
Cải mù tạt
Rau diếp xoăn
Rau rocket
Rau cải xoong
2. Chọn thêm đồ "xanh" cho salad
Những món đồ xanh này sẽ làm tăng hàm lượng dinh dưỡng cho salad. Bạn có thể dùng:
Quả bơ
Dưa chuột
Bông cải xanh
Rau mầm
Đậu xanh (hấp chín)
Cần tây
Bí ngồi
3. Thêm màu sắc
Màu sắc rực rỡ sẽ làm món salad của bạn trông hấp dẫn hơn nhiều. Trẻ em không thích ăn rau nên nếu một món salad toàn màu xanh sẽ bị chúng "tẩy chay".
Cà rốt
Ớt chuông (đỏ, vàng)
Cà chua
Củ cải đỏ
Củ dền
Bí ngô
Dâu tây
Cam
Đậu đỏ
Các loại quả mọng
Cà tím (đã nướng)
Hành tím
Khoai tây
Mận
4. Thêm vị giòn
Món salad sẽ hấp dẫn hơn hẳn nếu có các nguyên liệu tạo độ giòn cho món ăn. Chúng có thể là:
Táo
Hạt điều
Hạt dẻ
Hạt hướng dương
Ngô
Giá đỗ
Hạnh nhân
Hạt hồ đào
Hạt óc chó
Củ đậu
Bánh mì nướng
5. Một chút hương vị bất ngờ (có thể bỏ qua)
Chúng chỉ chiếm một lượng nhỏ trong món ăn, nhưng sẽ đem lại tác dụng về mặt dinh dưỡng hoặc hương vị cho món salad của bạn. Hãy tham khảo:
Lá rau mùi tây
Lá bạc hà
Các loại đậu đỗ
Hạt quinoa
Hạt chia
Nho khô
Pho mát
Các loại lá thơm
6. Thêm protein
Nếu muốn salad trở thành món chính trong bữa ăn, bạn có thể thêm các nguyên liệu giàu protein như:
Tôm
Thịt bò
Thịt gà
Thịt heo
Trứng
Mực
Các loại đậu đỗ
Đậu phụ
Cá hồi
Thịt cua
Bạch tuộc
Cá ngừ
7. Nước sốt salad
Đây là thành phần quan trọng nhất, không thể thiếu trong món salad. Mình đã có một bài viết về cách làm nước sốt ngon và lành mạnh tại đây.

Chúc các bạn ngon miệng và sống khỏe!